Nghị Sĩ Trần Du Lịch

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị-sĩ Nước Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nhà Chính-trị Cộng-sản Thiên Khổng

22-4-2019

Vào kỳ bầu cử Quốc Hội cho nhiệm kỳ 2011-2016 của Khóa XIII, tôi đã thực hiện một kế hoạch đã lập thật chi tiết và cẩn trọng từ trước đó 10 năm: sẽ tự ra tranh cử đại biểu quốc hội vào năm 2011 với 9 tư thế của một nhà nghiên cứu chính trị độc lập không đảng tịch, một nhà ái quốc, một nhà tư vấn doanh nghiệp tiếng tăm, một nhà hoạch định chính sách quốc gia, một nhà hùng biện chính đạo, một nhà giáo, một công dân gương mẫu, một nhà cách tân, và một nhà tiên tri thấu thị.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri các Quận 1, 3, và 4, trợ lý của tôi là cô Lại Thu Trúc đã có mặt phát cho cử tri hàng trăm quyển tài liệu in photocopy đóng bìa trang trọng do tôi soạn thảo bao gồm phần tiểu sử quá trình công tác của tôi, chương trinh hành động của tôi, khẩu hiệu của tôi, và mười bài viết chọn lọc của tôi từ hàng trăm bài tôi đăng trên trang mạng doanh nhân Emotino.com trong đó có bài về Bô-Xít vốn là đề tài nóng thời ấy hầu cung cấp cho cử tri cái nhìn thấu đáo về trình độ tư duy chính trị và tri thức vượt trội của ứng cử viên tự do Hoàng Hữu Phước.

Khi nói đến các buổi tiếp xúc cử tri các Quận 1, 3, và 4, tôi muốn nêu ý chính rằng tôi thuộc nhóm 5 ứng cử viên trong đó có các ông Trương Tấn Sang, Trần Du Lịch, và tôi. Đặc biệt, tiến sĩ Trần Du Lịch đã để lại nơi tôi ba lần cảm kích rất lớn.

Cảm kích lần 1:

Vào chiều tàn của ngày bầu cử, tôi nhận được điện thoại của Tiến sĩ Trần Du Lịch. Ông mời tôi cùng tham gia giám sát việc kiểm phiếu. Tôi đã đáp rằng: “Cảm ơn Thầy. Nhưng em thấy không cần đi giám sát đâu Thầy. Vì đối với em thì kết quả sao cũng được.” Cần nói riêng ở đây là từ nhỏ tôi đã có tư tưởng bất di dịch rằng đất nước Việt Nam sẽ may mắn hơn và được bảo vệ tốt hơn nếu tôi có tiếng nói chính thức trong môi trường chính trị, và đất nước sẽ ngược lại nếu tôi không được cho cất tiếng nói nơi chốn ấy. Thế nên, nếu tôi thất cử, đơn giản đó là do đất nước vẫn chưa có được sự may mắn, chứ hoàn toàn không phải vì tôi bại trận. Và tôi vui vẻ thư thái chẳng màng gì đến kết quả đếm phiếu cũng vì lẽ triết nhân ấy.  

Đến khuya khoảng 1 hay 2 giờ sáng gì đấy, tôi nhận được điện thoại của Tiến sĩ Trần Du Lịch rằng: “Chúc mừng nhe Phước! Phước trúng cử rồi! Hơn luật sư Nguyễn Đăng Trừng sát nút. Mà đây là tin mật, chưa được phép công bố, nên Phước nghe để biết thôi nhe!”

Thực sự thì tôi đã không báo cho bất kỳ ai trong gia đình tôi biết về nội dung Tiến sĩ Trần Du Lịch thông báo, vì dường như phải một tháng sau thì danh sách trúng cử mới được thông báo chính thức trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, tôi cũng biết một điều là dù có số phiếu cao hơn người khác, tôi vẫn có thể dễ dàng bị thay thế vì một lý do nào đó mà có thể là do tôi ắt không có lợi cho đất nước bằng vị luật sư kia. Song, dù kết quả có ra sao thì tôi vẫn rất cảm kích đối với sự vui mừng của Tiến sĩ Trần Du Lịch dành cho tôi.

Cảm kích lần 2:

Trước sự điên dại ngu đần của một đại biểu quốc hội đòi phải có Luật Biểu Tình, tôi đứng lên phát biểu chống lại với giọng rền vang hơn sấm, với ngữ điệu trầm bổng hào khí dữ dội của người đã được rèn luyện khẩu ngữ từ tiểu học, và với kiến thức không những về tiếng Anh đối với các loại “xuống đường” cũng như về ngữ nguyên của “xuống đường”. Toàn nghị trường – lúc ấy còn ở hội trường Bộ Quốc Phòng – vỗ tay như sấm dậy. Hôm ấy tôi ngồi giữa hai Nghị sĩ Trần Du Lịch và Nghị Sĩ Lê Trọng Sang, và tiến sĩ đã cười vui hể hả hài lòng, vổ tay tán thưởng, và vừa bắt tay tôi vừa nói: “Hay lắm, Phước!” Tiến sĩ Trần Du Lịch thậm chí còn báo cáo khẩn về Thành Phố Hồ Chí Minh do Trưởng Đoàn, Bí Thư Thành Ủy, và Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đều bỏ họp Quốc Hội về họp địa phương. Nghị sĩ Trưởng Đoàn là Tiến Sĩ Huỳnh Thành Lập vội phone ngay cho tôi và nói: “Thành Phố rất tự hào về đồng chí Phước! Tôi đã báo cáo đồng chí Bí thư Thành Ủy rồi. Đồng chí Phước rất giỏi! Phải vậy mới đúng là đại biểu của dân!”

Mỗi khi nghĩ đến đại công đã vì nước vì dân mà uy dũng lên tiếng và ra tay bóp vụn dự án Luật Biểu Tình khiến nó không bao giờ được moi lên từ sọt rác hoặc được nhắc lại trong toàn bộ nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016), cũng như cho đến nay là gần cuối nhiệm kỳ Khóa XIV (2016-2021), tôi lại nhớ ngay đến tiếng cười và cái siết tay của nghị sĩ Trần Du Lịch. Và đó là sự cảm kích vô song của tôi với bậc trưởng thượng đó.

Cảm kích lần 3:

Vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ XIII vào đầu năm 2016, sáng ngày nọ tôi phải trở về Thành Phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri tại buổi mà từ ngữ tiếng Việt gọi là “hiệp thương” do tôi đã nộp đơn tự ra tranh cử tự do tiếp cho khóa XIV, để tối khuya phải bay trở ra Hà Nội cho kịp dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ Tịch Nước của Đại Tướng Trần Đại Quang vào sáng hôm sau. Cần nói rõ là mọi chi phí đi lại đều do tôi đài thọ vì tôi không là người của “Nhà Nước”, và “Nhà Nước” chỉ chi tiền cho tất cả các nghị sĩ “Nhà Nước” nếu cần về địa phương họp bao nhiêu lần cũng được mà thôi. Những tệ hại xảy ra tại buổi “hiệp thương” của tôi đã được thuật lại chi tiết trong bài Thư Gởi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cũng là lý do tôi nhận xét cay nghiệt nguyền rủa Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam như một tổ chức vô dụng khét tiếng sử dụng lãnh đạo bất tài vô dụng để từ đó cho ra lãnh đạo ngu xuẩn, và trong đề cử những tên vô lại.

Khi thấy tôi đã trở ra Hà Nội, Tiến sĩ Trần Du Lịch vui vẻ hỏi tôi: “Sao rồi Phước? Tỷ lệ cao bao nhiêu?” Tôi đã không đáp lời nào, chỉ nhìn ông, vừa lắc đầu vừa nhếch mép cười. Với tất cả các kẻ đã từng gặp tôi trong đời và đã ngu muội dám giỡ trò đê tiện với tôi, cái chúng ắt không bao giờ quên là cái cười nhếch mép của tôi vì đó là hình ảnh đầy khiếp sợ ám ảnh trọn cuộc đời khốn nạn của chúng, ước gì chúng đã đừng ngu dại đến dường ấy. Giá như Tiến sĩ Trần Du Lịch biết điều đặc biệt ấy nơi tôi, ông ắt hẳn đã nghiệm ra rằng cơn thịnh nộ của tôi rôi sẽ đến. Do chưa biết, ông lặng người bất ngờ trước thông tin bất lợi qua biểu cảm từ thái độ của tôi. Ông im lặng nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn, đăm chiêu, ái ngại, bất lực, bó tay, như muốn thốt lên một câu nào đó an ủi tôi nhưng chẳng nói nên lời, đồng thời như muốn nguyền rủa bọn nào đã dám giỡ trò đê tiện tại buổi “hiệp thương” thứ nhất để không cho tôi tiến vào đợt “hiệp thương” tiếp theo mà chúng nghĩ sẽ khó ra tay triệt hạ tôi hơn. Và ánh mắt đăm chiêu đượm buồn của ông khi nhìn thấy nụ cười khinh bạc của tôi trở thành sự khắc ghi sâu đậm đầy cảm kích trong lòng tôi mỗi khi nhớ lại biến cố ngày hôm ấy.

Kính cảm ơn Nghị sĩ Tiến Sĩ Trần Du Lịch vì đã dành cho tôi những ba điều cảm kích lớn lao tại Quốc Hội Khóa XIII. Kính chúc Tiến Sĩ vạn an, hạnh phúc, nhiều may mắn.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị-sĩ Nước Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nhà Chính-trị Cộng-sản Thiên Khổng

Ghi chú: Phóng viên nào có hình ảnh chụp tôi lúc mọi người vỗ tay tán thưởng khi tôi phát biểu về Luật Biểu Tình xong và lúc Nghị sĩ Trần Du Lịch đứng dậy cười vui vẻ bắt tay tôi sau khi tôi phát biểu về Luật Biểu Tình xong; hoặc có video clip lúc tôi phát biểu về Luật Biểu Tình và lúc hội trường vỗ tay hơn sấm dậy cho bài phát biểu hùng biện của tôi, xin vui lòng để lại tôi một phó bản. Tôi sẽ đáp ứng yêu cầu về giá cả do các bạn đề nghị. Các bạn phóng viên ắt biết liên lạc với tôi bằng cách nào.

Liên kết tham khảo (theo thứ tự xuất hiện trong bài trên):

Nhà Ái Quốc: Trách Nhiệm Đối Với Sinh Mạng Người Dân – Tầm Nhìn Và Sự Chính Trực Của Một Nhà Ái Quốc   23-9-2012

Lại Thu Trúc:  Lại Thu Trúc  22-12-2015

Bô Xít:  Hội Chứng Bầy Đàn – Vấn Đề Bô Xít Ở Việt Nam  26-10-2010

Luật Biểu Tình:  Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về “Luật Biểu Tình”   14-4-2015

Trần Đại Quang:  Donald Trump Và Trần Đại Quang  12-5-2017

Những tệ hại xảy ra tại buổi “hiệp thương”: Thư Gởi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân  14-6-2017

Nhận xét cay nghiệt nguyền rủa: Hoàng Hữu Phước Nhận Xét Nhỏ Về Nội Tình Lớn Tổ Chức Chính Trị Việt Nam  01-12-2018

Tổ chức vô dụng: Thư Gởi Chủ Tịch Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn 11-10-2017

Lãnh đạo vô dụng: Người Việt Lại Phải Ưu Tiên: Tiếc Cho Ý Kiến Chỉ Đạo Của Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân  9-2008

Lãnh đạo ngu xuẩn: Thiện Nhân 17-10-2018

Bài đọc thêm: Các Nghị Sĩ Đồng Liêu Với Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước:

Nghị Sĩ Nguyễn Xuân Phúc 29-12-2015

Nghị Sĩ Đỗ Bá Tỵ 18-01-2016

Nghị Sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân 22-01-2016 

Nghị Sĩ Nguyễn Tấn Dũng 12-02-2016

Nghị Sĩ Nguyễn Phú Trọng 14-02-2016

Nghị Sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến 15-02-2016

Nghị Sĩ Thích Chơn Thiện 16-02-2016

Nghị Sĩ Trần Văn Hằng 18-02-2016

Nghị Sĩ Trần Khắc Tâm 25-02-2016

Nghị Sĩ Tòng Thị Phóng và Nghị Sĩ Trương Thị Mai  08-8-2016

Nghị Sĩ Nguyễn Thái Bình 14-9-2016

Nghị Sĩ Trương Hòa Bình 18-10-2016

Nghị Sĩ Lê Trọng Sang 23-01-2018

Nghị Sĩ Trương Tấn Sang và Nghị Sĩ Vương Đình Huệ 02-12-2018

Nghị Sĩ Nguyễn Văn Phụng 30-3-2019

Nghị Sĩ Huỳnh Minh Thiện 05-4-2019

Both comments and trackbacks are currently closed.