Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình

Điểm Ngời Sáng, Điểm Tăm Tối, và Điểm Chói Chang

Hoàng Hữu Phước, MIB

14-9-2016

nguyen-thai-binh

Điểm Ngời Sáng Cá Nhân

Ông Nguyễn Thái Bình là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016).

Do một sự ngẫu nhiên, tôi trong thời gian vài năm liền được bố trí một phòng ở cạnh phòng của Ông tại Nhà Khách Trung Ương Đảng số 8 Chu Văn An, Hà Nội, những khi tôi ra Hà Nội dự các kỳ họp quốc hội. Tôi được biết đó là căn phòng Nhà Nước cấp cho Ông vì Ông đã từ chối ở tại một “dinh” riêng mà các quan chức đồng cấp “bộ trưởng” như Ông đều được hưởng. Hàng ngày Ông xuống ăn tại canteen của Nhà Khách. Tất nhiên, Ông có ô tô riêng và tài xế đến đón Ông đến Bộ Nội Vụ làm việc; tuy nhiên, mỗi khi đến Kỳ họp Quốc Hội có nhiều đoàn nghị sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh và một hai tỉnh trú ngụ cùng tại 8 Chu Văn An thì Ông chuyên xin đi nhờ chung xe lớn với các đoàn. Cần nói rõ là Nhà Khách Trưng Ương Đảng chỉ có giá trị lịch sử chứ không có giá trị tiện nghi vì không sang trọng hiện đại như các khách sạn khác vốn được bố trí cho tất cả các đoàn Đại Biểu Quốc Hội các tỉnh còn lại, và chỉ trong năm 2016 mới có một thang máy ngoài trời và là thang máy đầu tiên cho tòa nhà bốn tầng này. Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh luôn ngụ tại đấy từ kỳ họp Quốc Hội khóa đầu tiên sau ngày giải phóng.

Mỗi sáng Chủ Nhật, Ông thường sang gỏ cửa phòng tôi để cùng tôi đàm đạo chuyện quốc gia đại sự và chuyện đời, nhờ đó tôi biết thêm nhiều nét về Ông.

Ông ra Hà Nội nhậm chức nhưng vợ của Ông không tháp tùng cùng phu quân vì là một chức sắc Đảng phải công tác ở tỉnh nhà. Cũng vì vậy mà Ông từ chối nhận ở tại một “tư dinh” đòi hỏi quá nhiều người phục vụ và đội cảnh vệ theo tiêu chuẩn cao cấp của một bộ trưởng. Là người sống giản dị, thân thiện, Ông lại rất sâu sắc khi nói với tôi về những khó khăn của công tác Nội Vụ. Tôi hiểu Ông muốn ám chỉ những sự “đối phó” mà Ông rất có thể phải dùng bản lĩnh một vị tư lệnh một Bộ mà ai cũng biết rõ là quyền lực cao vời để hóa giải, vì Nội Vụ giống như cơ chế “điều binh khiển tướng” trong bố trí nhân sự lãnh đạo tại tất cả các địa phương trên toàn quốc, và do đó (a) không thể không có việc nhiều vị đương nhiệm hoặc tiền nhiệm ắt sẽ tìm đến gặp Ông để xin Ông “ban phát ân huệ” để có một chức vụ cho con cho cháu hay cho người quen, cũng như (b) Ông phải xử trí ra sao khi nguồn nhân lực để “bố trí” lại thiếu hụt về số lượng và/hoặc chất lượng cho một chức danh hay một chiếc ghế ở trung ương hay ở địa phương. Ông đã giữ được đức thanh liêm trong thời gian tại vị, không bị điều tiếng gì phương hại đến thanh danh gương mẫu của mình.

Là một chức sắc mẫn cán, ôn hòa, điềm đạm, Ông gần như thuộc nằm lòng tất cả các quy định luật pháp, các nội dung nghị định, các điều khoản thông tư, để khi trả lời chất vấn tại Quốc Hội có thể ứng khẩu để minh chứng đầy đủ cho một nội dung bất kỳ, đến độ nhiều lúc Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng phải cắt ngang, yêu cầu Ông phải nói ngay luôn vào ý chính, khiến hội trường phải cười ầm lên. Nhưng khi bị chất vấn như kẻ tội đồ đối với việc để mặc cho các Bộ có quá nhiều Thứ Trưởng, quá nhiều Vụ Trưởng, quá nhiều “hàm” Vụ Trưởng, Ông Nguyễn Thái Bình đã ứng khẩu thố lộ rằng Ông đã cải tổ Bộ Nội Vụ, gia giảm rất nhiều số lượng “các quan chức” để làm gương nhưng tấm gương đó đã không được “lan tỏa” ra các Bộ khác vì họ quyết không noi theo. Sự tiết lộ sự thật này của Ông làm cả hội trường nín lặng, hiểu Ông hơn, và những tràng vỗ tay tuy chầm chậm nhưng đầy cảm xúc ấy đã kích hoạt một phản ứng cảm thông: từ đó về sau cho đến khi chấm dứt nhiệm kỳ không một nghị sĩ nào muốn chất vấn Ông thêm nữa vì họ đã hiểu cá nhân vị bộ trưởng ấy đã có sự ngời sáng về trách nhiệm trong lẳng lặng làm gương, trong nắm thật chắc công việc quản lý nhà nước đa đoan, trong gìn giữ đức thanh liêm không để vướng các điều tiếng, và trong nếp sống cực kỳ giản dị và tiết kiệm khó thể thấy nơi một “đại quan”.

Điểm Tối Tăm Cơ Chế

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Thái Bình là một excellent doer tức một nhà thực thi thực hành kiệt xuất trong giải quyết các yêu cầu cụ thể của công việc chứ không là một excellent thinker tức một nhà hoạch định chính sách tuyệt hảo; có thể vì ngoài sự tận tụy với công việc, sự tận trung với Đảng, sự tận hiếu với dân tộc, Ông không có thực quyền ở tầm vĩ mô, nghĩa là cơ chế chính sách đã được Đảng và Nhà Nước  đề ra như thế nào thì Ông cứ cúc cung tận tụy theo đúng các quy định ấy.

Có lần tôi giới thiệu với Ông một người trẻ tuổi có trình độ ngoại ngữ cao với hai bằng đại học đang làm việc cho một công ty tài chính nước ngoài, không phải đảng viên, nhưng có thể là một người tài giỏi lại có mong muốn được trở thành một công chức để phục vụ địa phương – mà cụ thể là ngành Ngoại Vụ – hoặc trung ương ngay cả khởi sự với chức danh một nhân viên văn phòng do có ý thích “phục vụ” nước nhà. Thế nhưng, Ông bảo tôi hãy nói với người ấy rằng ở địa phương nào và quan tâm làm công chức cho Sở nào thì cứ theo dõi các thông tin thi tuyển công chức tại đó để nộp đơn xin thi đúng theo quy định.

Ông hoàn toàn đúng khi nói như vậy vì (a) đó là quy định giấy trắng mực đen, và (b) Ông phải giữ đức thanh liêm trước mọi sự “nhờ vả” bất kể sự “nhờ vả” hay “giới thiệu” ấy có hay không có các quà cáp hối lộ hay đền ơn.

Tuy nhiên, chính các quy định giấy trắng mực đen mà Ông luôn tuân thủ lại có những khoảng tối mà cơ chế do vô tình hay hữu ý đã đặt ra khiến có lợi nhiều hơn cho các tâng lớp cao cấp của nội bộ Đảng. Chẳng hạn cơ chế ấy trong khi (a) không hề ấn định cách hành xử mỗi khi có sự “tiến cử hiền tài” từ người dân thì (b) lại ấn định sự cho phép mỗi đảng viên có quyền “tự tiến cử bản thân là hiền tài” cho một chức danh cao cấp cụ thể nào đó. Vụ việc của Trịnh Xuân Thanh vừa qua là một minh chứng cho sự tồn tại của một “quy trình” quái gở cho phép sự “tự tiến cử bản thân làm lãnh đạo” như thế. Tương tự, vụ của Vũ Quang Hải và Vũ Đình Duy chẳng khác nào sự tùy tiện “sử dụng nhân tài” của Bộ Công Thương lại càng khẳng định cho sự bôi tro trát trấu vào cái gọi là quy trình ấy.

Ông Nguyễn Thái Bình đã không là excellent thinker để có thể nghiệm ra những quái gở nào đang tồn tại trong “quy trình” của Bộ Nội Vụ, cũng như cơ chế đã không cho Ông cái empowerment thực quyền để đề xuất với Đảng và Nhà Nước  bãi bỏ những chi tiết quái gở cụ thể nào của hệ thống quy trình dụng nhân hiện hành.

Nghe đâu ngày xưa bên Tàu có vua này vua nọ phải tắm gội trai tịnh nhiều ngày để nhiều phen đến thảo lư của một người nào đó mà thiên hạ “đồn đại” rằng có thực tài để thỉnh mời về giúp triều đình “khởi nghiệp.” Chỉ mới nghe lời “đồn đại” thôi mà đã trọng thị như thế.

Vậy thì cơ chế hành xử của Đảng và Nhà Nước Việt Nam ít ra cũng nên là mỗi khi được “đại quan” hay “thường dân” tiến cử “hiền tài” thì

(a) gởi thư mời người được tiến cử ấy đến để tiếp xúc tìm hiểu theo kiểu mà Tây Phương gọi là interview tức phỏng vấn; sau đó

(b) thực hiện việc mà Phương Tây gọi là Work History Verification hoặc ngắn gọn là Background Check tức thẩm tra lý lịch tức việc mà Việt Nam thực hiện rất dễ dàng do không áp dụng các cấm đoán thẩm tra về “đời tư” như ở các nước tư bản tiến tiến, rất bài bản theo “quy trình” đối với đảng viên, và cực kỳ nghiêm nhặt đối với thường dân; và rồi

(c) áp dụng cơ chế mà Âu Mỹ gọi là probation mà ta gọi là thử việc để qua đó xác định đó là người tài thực sự hay chỉ là “đồn đại”.

Đã “đặc cách” cho phép đảng viên cấp cao được tiến cử con mình làm “hiền tài” thậm chí tự tiến cử chính mình làm hiền tài cho các chức danh lãnh đạo cao ngất, thì sao lại không thể “đặc cách” cho một người dân ngoài Đảng được ai đó tiến cử sẽ được mời đến gặp chức sắc cơ quan công quyền theo 3 bước nêu trên mà không cần phải chờ nộp đơn thi công chức cấp thấp khi nào có thông báo?

Điểm Chói Chang Chính Sách & Chủ Trương

Trọng dụng nhân tài là điểm chói chang của tất cả các chính sách cùng chủ trương của Việt Nam từ thời phong kiến xa xưa đến thời dân chủ hiện nay, được thường xuyên lập đi lập lại trong tất cả các phát biểu chính thức của tất cả các lãnh đạo.

Việc tự kiếm tìm nhân tài và tìm thấy nhân tài để rồi ra sức chiêu dụ nhân tài mới là việc đúng đắn và đầy lý tưởng. Việc một ông giám đốc một công ty nước ngoài đã thôi việc, không phải Đảng viên, vừa qua đã tự ứng cử và trúng cử vào Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh rồi được phong làm giám đốc một Sở ở Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn không phải là “trọng dụng nhân tài” vì (a) đã không có sự ra sức chiêu dụ nào cho việc người ấy rời bỏ một công việc tốt đẹp đang có để về phục vụ nhân dân, và vì (b) người ấy đã là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân. Vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh chẳng có gì để tự hào về nội dung “trọng dụng nhân tài” cả.

Để “trọng dụng nhân tài” thì chỉ cần theo cơ chế hành xử ba bước như đã đề xuất ở mục trước, mà khi thực hiện các bước ấy, Đảng và Nhà Nước không những không phải “hạ mình” trai tịnh mà còn không phải đến tận nơi đón rước kiểu phong kiến ngàn xưa, nên vấn đề “thể diện” của Đảng và Nhà Nước không hề suy suyển.

Không có cơ chế “trọng dụng nhân tài” như vậy, Việt Nam sẽ chỉ có thể có được một Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình có thể đi vào sử sách nước nhà như một đại quan thanh liêm mẫu mực được nhân dân kính trọng thương yêu; nhưng sẽ có rất nhiều Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, và Vũ Đình Duy cùng những tên tương cận gây họa cho cả dân tộc.

Kính biết ơn Ông Nguyễn Thái Bình vì đã là vị Bộ Trưởng đức độ của nước non này.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Các bài viết cùng thể loại “đánh giá cá nhân”:

Chính Khách:

Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguyễn Thị Quyết Tâm

Tân Bí Thư Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Nghị Sĩ Hòa Thượng Thích Chơn Thiện

Chủ Nhiệm Trần Văn Hằng

Nghị Sĩ Trần Khắc Tâm

Nguyễn Thiện Nhân

Ba Vị Anh Thư Thép Lãnh Đạo Việt Nam – The Trio of Iron Ladies of Vietnam

Thường Dân:

Giáo Sư Nguyễn Quang Tô

Giáo Sư Trương Tuyết Anh

Giáo Sư Lê Văn Diệm

Cô Lại Thu Trúc

Both comments and trackbacks are currently closed.