Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình

Hoàng Hữu Phước, MIB

18-10-2016

thb1

Vào kỳ họp chót của Quốc Hội Khóa XIII tháng 4-2016, khi thấy tôi chống gậy dự họp nhưng không ra khu vực ẩm thực lúc nghỉ giải lao mà ngồi một mình trong hội trường bao la vắng lặng, Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình đã len vào hàng ghế để đến cạnh tôi cầm tay vấn an sức khỏe. Ông thậm chí còn định ra ngoài lấy cho tôi một tách cà phê nếu như tôi không khăng khăng từ chối bằng cách giữ chặc tay Ông. Sự thân tình bình dân cởi mở vui vẻ của Ông là tác phong tôi nhận thấy nơi Ông từ đầu năm 2011, lúc Ông còn là Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao.

Thủa ấy, tôi đã gởi một số công văn đến Ông để can thiệp vài vụ khiếu nại của người dân, và một vụ đã đuộc Tòa Án Nhân Dân Tối Cao quyết định cho xem xét lại vụ án. Vụ của nhà báo Hoàng Hữu Hiệp mà tôi đã nói trong bài viết trước cũng là vụ tôi đã kiến nghị sẽ đích thân cùng nhà báo ấy đến gặp Ông bất cứ nơi nào và bảo đảm chịu trách nhiệm cá nhân của tôi nếu không kềm chế được sự to tiếng hay thóa mạ – nếu có – của nhà báo ấy. Vào giờ giải lao ở các kỳ họp trước đó, tôi hay trò chuyện cùng Ông mỗi khi có các khúc mắc tế nhị của các điều của một dự án luật quan trọng nào đó, hoặc khi có phát hiện những vụ án oan.

thb

Ông Trương Hòa Bình đã không có kỳ tích nào đối với công tác pháp đình và đại cuộc cách mạng tư pháp Việt Nam; song, đây là điều dễ hiểu khi Ông bị lực cản trì trệ từ năm vấn nạn của Việt Nam gồm (a) luật pháp Việt Nam vừa chưa đủ đầy hoàn chỉnh vừa bị khống chế hành trạng tư duy làm luật dưới tác động của các luận điểm nô dịch chạy theo văn hóa xằng bậy của nước ngoài đặc biệt về cái gọi là nhân bản nhân văn trong án phạt và án tử hình khiến phá hỏng bét tôn ti trật tự giềng mối xã hội làm cho an ninh an toàn xã hội và tình hình phạm pháp ngày càng gia tăng trầm trọng, (b) các tồn đọng khiếu kiện từ nhiều nhiệm kỳ trước của các Chánh Án tiền nhiệm, (c) sự tiêu cực của các Tòa Án Nhân Dân các tỉnh thành khiến dẫn đến các oan sai và các khiếu kiện kéo dài được đùn đẩy từ địa phương lên trung ương, (d) các lợi ích nhóm khiến các đạo luật được soạn thảo thiếu hẳn sức mạnh triệt để làm phát sinh những yêu cầu điều chỉnh ngay cả khi luật vừa mới được ban hành cũng nhu các yếu kém trong ban hành các Nghị Định của chính phủ và Thông Tư của các Bộ khiến nảy sinh nhiều hơn các tranh chấp phải đưa ra tòa án hoặc các bất khả thi trong xét xử đạt đồng thuận giũa các bên liên quan, và (e) ngay cả chánh án hay phó chánh án Tòa Án Nhân Dân địa phương chỉ quan tâm đến việc nịnh nọt lấy lòng Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao thay vì công minh công tâm công chính công bằng trong công vụ xét xử các vụ án ở điạ phương. Vấn nạn tồi tệ thứ năm đã từng được tôi nêu lên trong một bài viết cách nay vài năm, về vị nghị sĩ Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã dám cả gan phớt lờ thư của tôi yêu cầu can thiệp vụ cụ ông Lý Vĩnh Bá gần 100 tuổi khiếu nại Tòa Án Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều năm không đưa vụ kiện của cụ ra xét xử và khiếu nại thư ký tòa án đã vừa chửi tục vào mặt cụ vừa hành hạ cụ khi đã bắt cụ phải đến nơi hẹn để kiểm tra thực địa nhưng lại không có mặt để cụ chờ suốt ngày tại đó để rồi khi cụ đến tòa án hỏi mới được chính vj thư ký tòa án ấy trả lời rằng do mệt. Một ngành mà nếu ở địa phương lúc nhúc những tên như vị phó chánh án ấy và thư ký tòa án nọ thì Ông Trương Hòa Bình đương nhiên trở thành đích ngắm của các lời công kích.

Ông Trương Hòa Bình không thể làm gì khác để ngành Tòa Án Việt Nam tốt hơn vì sự bổ nhiệm các chánh án, phó chánh án, và thẩm phán đều “đúng quy trình” về nhân thân, đảng tịch, bằng cấp chuyên môn. Trong các cái gọi là “quy trình” đó, không hề có công cụ định lượng nào dành đánh giá hiệu quả các đức tính cụ thể của đạo làm người và đạo làm quan. Đạo làm người để có cái “trung với Đảng, hiếu với dân” sau khi đã thực sự có bằng chứng nền tảng của sự  tu thân và sự tề gia. Đạo làm quan để có thể “phán án như thần” vốn luôn mặc định là điều đương nhiên phải có nơi các vị thẩm phán.

Tuy nhiên, với cương vị Phó Thủ Tướng, Ông Trương Hòa Bình được tin tưởng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực và hiệu quả cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đại cuộc quản lý Nhà Nước. Nổi trội so với tất cả các Phó Thủ Tướng đương nhiệm khác của Quốc Hội Khóa XIV này, Ông Trương Hòa Bình có các ưu thế về sự năng nổ, tính bình dân gần gủi, và được người dân trên phạm vi toàn quốc biết đến nhiều hơn.

Hình ảnh những lần dùng cơm tại “dinh” của Ông (tức căn hộ mà hai ông bà tá túc ở một nơi chật hẹp bên trong một cơ quan trực thuộc Bộ Công An ở Hà Nội) khi Ông còn là Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, thưởng thức những món ăn Nam Bộ do vợ Ông đích thân nấu nướng, uống chút rượu cùng Ông trong khung cảnh chật chội đơn sơ bình dị, sẽ mãi lưu trong ký ức của tôi, nhất là khi cảm nhận được ánh mắt đầy lo lắng của vợ Ông lúc nhìn thấy thức ăn vẫn còn đầy ắp có vẻ như chúng đã không được vị khách thân quen đoái hoài. Những hình ảnh ấy là nổi trội nhất khi tôi nghĩ về “ông anh” Trương Hòa Bình thân thiết ấy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Các bài viết cùng thể loại “đánh giá cá nhân”:

Chính Khách:

Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguyễn Thị Quyết Tâm

Tân Bí Thư Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Nghị Sĩ Hòa Thượng Thích Chơn Thiện

Chủ Nhiệm Trần Văn Hằng

Nghị Sĩ Trần Khắc Tâm

Nguyễn Thiện Nhân

Ba Vị Anh Thư Thép Lãnh Đạo Việt Nam – The Trio of Iron Ladies of Vietnam

Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình

Thường Dân:

Giáo Sư Nguyễn Quang Tô

Giáo Sư Trương Tuyết Anh

Giáo Sư Lê Văn Diệm

Cô Lại Thu Trúc

Both comments and trackbacks are currently closed.