Làm Chính Trị & Làm Loạn

Bài Viết Vỡ Lòng Về Dân Chủ & Dân Quyền Dành Cho Công Dân Trẻ

Hoàng Hữu Phước, MIB

12-01-2017

Gọi là vỡ lòng vì những vấn đề cụ thể nhất, căn bản nhất, trong toàn thế giới hiện đại văn minh về dân chủ và dân quyền– tất nhiên thắm đượm cả nhân quyền – đối với phạm trù “làm chính trị” lại chưa hề được Việt Nam giảng dạy cho giới trẻ từ tiểu học cho đến sau đại học, mặc cho sự thật là Việt Nam có nhiều công cụ chính trị từ ươm mầm lên đến lão làng như Đội Thiếu Niên Tiền Phong, Hội Thanh Niên  Sinh Viên, và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (trong khi thiên hạ chỉ có công cụ phi-đảng-phái Hướng Đạo Sinh) khiến dẫn đến hệ lụy là ở Việt Nam già trẻ lớn bé thậm chí có đến hai ba bằng thạc sĩ/tiến sĩ ai cũng có quyền tự do tuyên bố “muốn làm chính trị từ nhỏ” hoặc “ghét nói về chính trị”, và việc hô hào dân chủ, nói năng lách chách phản biện xã hội, giương cao ngọn cờ xã hội dân sự, khoe mề-đay tù nhân lương tâm, thực hiện tự do ngôn luận chống chính phủ là để thể hiện ta đây đang “làm chính trị”. Sự hòa âm điền dã của những tên ngoại giao mọi rợ của nước ngoài ở Việt Nam (trong đó có cả tên Đại Sứ Mỹ Ted Odius nghe đâu đang thu dọn đồ tế nhuyễn rời Việt Nam theo lịnh sa thải toàn bộ của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump) lợi dụng sự thờ ơ của Việt Nam trong giáo dục kiến thức chính trị cho công dân trẻ để làm các công dân này càng tưởng đâu họ đã làm đúng chuẩn Âu Mỹ vậy.

Gọi là công dân nghĩa là chỉ những người có quyền lợi và bổn phận đối với đất nước, bao gồm những quyền lợi nào phải được hưởng trọn vẹn, những bổn phận nào phải chu toàn tất cả, và những yêu cầu năng lực nào phải đáp ứng đầy đủ, mới đạt yêu cầu đầu tiên đối với người muốn“làm chính trị”. Không kể ra được danh mục những quyền lợi và những bổn phận của bản thân, không có gì chứng nhận đã hoàn thành đạt yêu cầu những bổn phận nào để được hưởng những quyền lợi nào thì dứt khoát không là công dân thực thụ, cũng như không có gì chứng nhận đáp ứng đủ đầy các năng lực phải có, để có thể đạt tiêu chuẩn đầu tiên của tuyên bố muốn “làm chính trị”. Chưa kể, “làm chính trị” là một “nghề chuyên nghiệp” nên có những đòi hỏi nghiêm ngặt và cao cấp nào để được “làm chính trị”, và cái “chính trị” mình muốn “làm” có phải đúng là ở nước Việt Nam hay không, hay là tâm thần bất định cứ nghĩ là “làm” ở xứ miền hoa mỹ nào trong mộng. Đó là chuyên nghiệp.

Có sức khỏe và đạt thành tích chạy như ngựa của một vận động viên điền kinh, cộng với sự khéo léo nhanh nhẹn của kỹ thuật vận động thân thể, cộng với việc đã được đào tạo tại “lò” và vượt qua kỳ tuyển chọn, một người mới có thể trở thành một cầu thủ bóng đá để được phép vào thi đấu tại sân vận động chính thức, mà ngay cả có được ra sân trực tiếp đá vào trái bóng trong một cuộc thư hùng chính quy – tức có bán vé cho khán giả – hay vào sân ngồi mãi trên ghế dự bị thì cũng tùy vào sự cho phép của huấn luyện viên trưởng. Mà đã được cho ra sân thì cũng phải nhuần nhuyễn các quy định của luật chơi (chẳng hạn không tiếp tục rê bóng khi bóng đã ra khỏi đường biên vì tâm trí lộn qua bóng chuyền, hay rê bóng vòng ra sau lưng cầu môn vì tâm thần nhầm với khúc côn cầu trên băng, hoặc cầm bóng chọi vô lưới do tâm tính kỳ khôi muốn đem trộn bóng ném vào bóng đá) và chấp nhận tất cả các hậu quả có liên quan (bị phạt thẻ đỏ đuổi ra sân hay giò cẳng bị nhuộm đỏ thì không kêu gào méc mẹ chưởi bới trọng tài vi phạm dân chủ nhân quyền và không cho trọng tài nếm thập bát liên hoàn cước). Đó là chuyên nghiệp.

Bài viết này, do đó, nói về những nguyên tắc để một công dân được “làm chính trị”.

A) Nguyên Tắc 1: Được làm một nghề nghiệp đoan chính là quyền tự do của công dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới

Làm một nghề nghiệp đoan chính nào cũng phải theo ít nhất ba yêu cầu của bản thân nghề nghiệp ấy, của nhu cầu của nghề nghiệp ấy, và của quy định liên quan đến nghề nghiệp ấy.

Không học ngành y mà đòi được đè người ta ra giải phẫu ư?

Học xong ngành y với bằng cấp tốt nghiệp hạng tối ưu rồi nằng nặc đòi phải vào làm lãnh đạo ở bịnh viện Nhà Nước lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh bất kể bịnh viện ấy đang có thừa mứa bác-sĩ-đại-tài-nhiều-năm-kinh-nghiệm-danh-tiếng-lẫy-lừng, và không có nhu cầu tuyển dụng thêm “biên chế” ư?

Học chưa xong, chẳng phút giây thực hành thực tế thực địa về chuyên môn của bất kỳ văn bằng nào đã kiếm được trong tay, vậy mà vẫn được bổ nhiệm làm Vụ Phó Vụ Kinh Tế Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam kiêm lãnh đạo Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại của Tỉnh lớn nhất Tây Nam Bộ thì chẳng qua đó là sự hy sinh vô bờ bến của lãnh đạo Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ muốn chính mình chịu mắng chưởi để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn  dân trước thực trạng dụng nhân quái gở ở Việt Nam chứ làm gì thực tế có chuyện tự do làm nghề chuyên nghiệp kiểu ấy.

Một nghề nghiệp đoan chính vẫn có thể mang tính bắt buộc – bất kể quyền tự do của công dân – khi trong thời chiến tranh, nghĩa là lịnh tổng động viên sẽ buộc một bộ phận dân chúng nhập ngũ trở thành quân nhân chuyên nghiệp hay trở thành công nhân quốc phòng trong một ngành kỹ thuật hay hậu cần hoặc tiếp liệu, v.v.,  bất kể có hay không có quá trình đào tạo trước khi nổ ra chiến tranh.

B) Nguyên Tắc 2: Được làm chính trị là quyền tự do của công dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới

Ở tất cả các quốc gia, thường có mặc định rằng một công dân làm chính trị là khi trở thành nghị sĩ quốc hội hoặc khi trở thành thành viên của nội các chính phủ.

Để trở thành nghị sĩ quốc hội, người công dân thường phải là đảng viên một chính đảng chính trị và có nghề nghiệp chuyên môn, có quá trình công tác đủ thâm niên để được công chúng biết đến.

Một nghị sĩ quốc hội có thể trở thành thống đốc, thủ tướng, hay tổng thống của quốc gia.

Năm điều kiện cần và đủ, luôn luôn đúng tuyệt đối của người “làm chính trị” ở bất kỳ quốc gia nào là phải:

a- tuyệt đối tuân thủ và bảo vệ hiến pháp của quốc gia,

b- tuyệt đối tuân thủ và bảo vệ luật pháp của quốc gia,

c- tuyệt đối bảo vệ thể chế chính trị của quốc gia,

d- được “cử tri” trao quyền “làm chính trị” qua bầu cử vào nghị viện, hoặc được bổ nhiệm bởi tổng thống hay thủ tướng chính phủ, và

e– sinh hoạt trong một đảng chính trị chính thức (tất nhiên tại một vài quốc gia có thành phần ứng viên “tự do” từ những nhà tỷ phú nhưng chỉ thắng cử cho mỗi một chức danh duy nhất là nghị sĩ) và được chính đảng ấy đề cử ra “làm chính trị”.

Như vậy, ở Việt Nam có sự áp dụng đầy đủ 5 yêu cầu mang tính phổ quát toàn cầu trên.

Ba vấn đề tồi tệ thường gặp ở Việt Nam là:

1) 2 Thấp Kém: Đa số các “nghị sĩ” không biết hoặc không dám nhận rằng mình là “chính khách” tức người “làm chính trị” khiến (a) tính đẳng cấp chuyên nghiệp trở nên thấp kém hơn các đồng nghiệp ở nghị viện nước ngoài, và (b) tinh thần trách nhiệm trở nên cực kỳ mơ hồ dù luôn được đánh giá cao cuối mỗi nhiệm kỳ quốc hội.

2) 4 Thụ Động Mơ Hồ: lý do của vấn đề số 1 nêu trên là vì (a) các nghị sĩ tuyệt đại đa số là đảng viên Cộng Sản nên ra làm nghị sĩ là theo mệnh lệnh phân công đặt đâu ngồi đó của Đảng chứ không vì chủ động theo đuổi một cách có ý thức con đường “làm chính trị” khi theo Đảng, (b) các nghị sĩ tuyệt đại đa số hoàn toàn không biết “làm nghị sĩ” tức là “làm chính trị”, (c) các nghị sĩ tuyệt đại đa số là chức sắc cấp cao trong hệ thống công quyền hoặc hệ thống chính trị nên có lương bổng riêng để công tác chính tại địa phương và xem công việc nghị sĩ chẳng khác nào công việc thời vụ không-lương-bổng không toàn thời gian không chính quy dù chính thức theo Hiến Pháp, và (d) các nghị sĩ tuyệt đại đa số là đảng viên Cộng Sản nên ra làm nghị sĩ trong tư thế không được tùy tiện phát biểu những gì chưa được sự cho phép của Đảng dẫn đến các sự trầm lắng trầm mặc trầm ngâm tại nghị trường.

3) 1 Bó Tay: Từ sự không hiểu biết về 5 điều kiện cần và đủ để “làm chính trị” đã nêu, nhiều nghị sĩ và công dân đã không thể phân biệt được ranh giới giữa “làm chính trị” và “làm loạn”, vì “làm chính trị” là một sự nghiệp chuyên nghiệp mang thuộc tính quyền tự do của công dân, còn “làm loạn” hay “làm phản” là đối tượng của mọi biện pháp đàn áp trấn áp tiêu diệt minh định trực tiếp hay gián tiếp trong Hiến Pháp và luật pháp quốc gia, dẫn đến các manh động trong xã hội dưới lớp sơn dân chủ, nhân quyền, dân quyền, mà thực chất là chống chỉnh phủ, chống thể chế chính trị của quốc gia, lật đổ chế độ, biến Việt Nam thành quốc gia lẻ loi đơn độc duy nhất trên toàn thế giới có quá nhiều công dân “làm loạn” vì thơ ngây không hiểu gì về “làm chính trị” dù kẻ ngây thơ có khi là thạc sĩ luật tốt nghiệp ở Hoa Kỳ.

C) Những hành xử mang tính quốc thể cần có:

1) Luật Hình Sự nhất thiết phải mô phỏng thiết chế của Hoa Kỳ và các nước Âu Mỹ văn minh hiện đại khác: sử dụng bạo lực đàn áp trấn áp tiêu diệt các phần tử “làm loạn”, “làm phản”, chống chính phủ, chống chế độ, chống thể chế chính trị quốc gia – vì chống chế độ và chống thể chế chính trị quốc gia là trọng tội vì đó là chống Hiến Pháp.

2) Các phản ứng ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế mỗi khi có sự xúc xiểm của nước khác động đến thể chế chính trị hay chính sách Việt Nam nhất thiết phải chuyển sang phong cách của thời kỳ mới, nghĩa là từ nhún nhường nhỏ nhẹ nhẫn nhịn của thời kỳ xứ sở còn lạc hậu đói nghèo giữa bủa vây cấm vận, tiến sang sử dụng hùng biện ngoại giao đấu khẩu mạnh mẽ dứt khoát của thời kỳ đất nước đã có uy thế về địa-chính-kinh và quân sự. Để có các phản ứng ngoại giao mạnh mẽ này, toàn bộ các lãnh đạo cấp cao của Nhà Nước nhất thiết phải được bồi dưỡng về thuật hùng biện đối ngoại cao cấp thậm chí bằng cả ngôn ngữ khác trong số các ngôn ngữ chính thức sử dụng tại Liên Hợp Quốc và ngôn ngữ cử chỉ của đẳng cấp  bề trên.

Hai điều cực kỳ đơn giản mang tính nguyên tắc sơ đẳng trên nhằm (a) khẳng định vị thế mới của Việt Nam, (b) giữ gìn quốc thể rằng các “chính khách” tức các nhà “làm chính trị” Việt Nam biết thế nào là “làm chính trị” trong đối nội và đối ngoại, (c) giữ gìn quốc thể rằng công dân Việt Nam hiểu rõ các yêu cầu đương nhiên của việc “làm chính trị” cùng nhận thức rõ các trách nhiệm tất nhiên phải chịu từ việc “làm loạn” của cá nhân mình, và (d) thị uy với tất cả các phái bộ ngoại giao tại Việt Nam rằng tất cả các can thiệp – dù bằng lời nói – vào công việc nội trị của Việt Nám sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Không có sự thị uy về ngoại giao, Việt Nam mãi bị xếp ở chiếu dưới, còn kẻ “làm loạn” thì mặc sức tung hoành như đang thực hiện quyền tự do dân chủ “làm chính trị”.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Chính trị gia (Nghị Sĩ Quốc Hội Việt Nam Khóa XIII)

Tham khảo:

Thế nào là Tự Do – Dân Chủ 24-3-2014

Thế nào là Đối Lập  06-4-2015

Thế nào là Phản Biện 02-8-2016

Thế nào là Chính Trị  14-01-2016

Thế nào là Chống Cộng  21-10-2015

Chìa Khóa Của Cường Thịnh  05-11-2016

Tôi Và Lê Công Định  22-9-2014

Sự Mất Dạy Của Một Tên Ngoại Giao Đức  05-01-2016

Đại Sứ Mỹ Ted Osius  15-6-2016

Tôi Trả Lời Phỏng Vấn Của Đài Châu Á Tự Do về Cù Huy Hà Vũ và Vấn Đề Đa Đảng Ngày 20-4-2011   18-5-2014

Hướng Đạo  05-11-2015

Điều Luật 258   02-4-2016

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Hình Sự”   14-10-2015

Sự Cố Luật Hình Sự  28-6-2016

Hậu Sự Cố Luật Hình Sự 2015  03-7-2016

Phải Có Luật Biểu Tình  18-8-2016

Hãy Ủng Hộ Ứng Cử Viên Tự Do Cho Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021)  09-01-2016

Both comments and trackbacks are currently closed.