Phát Huy Nội Lực Từ Yếu Tố Con Người

Hoàng Hữu Phước, MIB

22-9-2017

Phát Huy Nội Lực Từ Yếu Tố Con Người

Hoàng Hữu Phước

02-7-2009

 (Bài đăng lần đầu trên Emotino ngày 02-7-2009 tại http://www.emotino.com/bai-viet/17961/phat-huy-noi-luc-tu-yeu-to-con-nguoi)

Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia như choàng tỉnh sau giấc đông miên nhận ra một thực tế rằng việc lao lung suốt mấy mùa thuận lợi góp nhặt thành quả cũng phải là để chất chứa trong kho lẫm làm nguồn tích lũy dài lâu, và rằng sự đầu tư chăm chút cho cái kho lẫm ấy cũng được xem quan trọng ngang bằng tức phải đạt mức vững chãi, rộng lớn, an toàn cao. Thế giới bắt đầu vừa tiếp tục không buông lơi tìm thị trường xuất khẩu vừa chăm chút cho thị trường nội địa, và thế là cụm từ phát huy nội lực được sử dụng để khuyến khích cổ vũ cho các cố gắng tự cứu mình trong sản xuất kinh doanh. Song, phát huy nội lực còn cần phải nhìn đến yếu tố con người vì chính con người vận hành điều chỉnh sự thành hay bại đại cuộc phát huy nội lực của nền kinh tế một quốc gia.

1) Khi nói đến con người Việt Nam, bất kỳ ai trên thế giới này cũng nêu điệp khúc của cần cù, chăm chỉ, chịu cực chịu khó, tức những gì rất quen thuộc nhưng lại không bao giờ là thứ độc quyền của người Việt vì các dân tộc khác cũng có những “phẩm chất” này – thậm chí tốt hơn – ngay từ thời lao động giản đơn của nô lệ ngàn xưa, nên chẳng tạo ra khác biệt tích cực trong đời sống hiện đại và thực tế của Việt Nam ngày nay, trong đó, năng lực cùng ý thức hay tư duy của từng cá nhân về đổi mới, sáng tạo, trí truệ cùng sở hữu trí tuệ, và động lực cho tất cả mới là thành tố nội lực duy nhất đáng được nói đến và phát huy. Thế nhưng, vì sao lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và luôn “được” các nước xem như nguồn nhập khẩu lao động rẻ tiền, không thích hợp.

Trước hết, có một thực tế là điệp khúc nêu ở trên có thể đúng với người Việt Nam lao động chân tay cá thể hay gia đình, chứ chưa phải luôn có nơi các giới “cổ cồn trắng” tức giới làm việc văn phòng đòi hỏi phải có học lực chuyên môn và kiến thức quản trị nhất định trên nguyên tắc có thu nhập cao hơn và có đóng thuế nhiều hơn, và cả giới “cổ cồn xanh” tức lực lượng công nhân tại các doanh nghiệp. Bấy lâu nay chỉ có chuyện nêu gương những bậc làm cha làm mẹ bương chải cơ cực đủ điều ở các tỉnh kiếm tiền cho con vào Thành phố Hồ Chí Minh lây lất “học chữ”, mục đích giống y như ngàn xưa vẫn là để con cái có việc làm “sung sướng không cực như cha mẹ” chứ chưa hề nêu gương bậc làm cha làm mẹ nào đó đã nai lưng cày bừa cho con vào thành phố học nghề cả!

Chính cái tư tưởng chỉ xem trọng “học chữ” ấy của “vinh thân phì gia” đã làm biến dạng mục đích của sự “ăn học”, triệt tiêu những gì dính dáng đến cần cù chịu cực chịu khó trong lao động vì sự nghiệp. Cần cù đèn sách để tránh xea khỏi cái cần cù trong lao động hậu sách đèn, và chịu cực chịu khó học tập trên chính sự lao nhọc kiếm tiền của mẹ cha và anh chị thì nào phải là sự chịu cực chịu khó sau khi đã tốt nghiệp có được việc làm, nên cái thành phẩm của giáo dục của xã hội lại là lớp đông người cổ cồn trắng có mong muốn được làm việc ít nặng nhọc hơn với lương cao hơn và điều kiện làm việc sung sướng khỏe hơn nhàn hạ hơn, khiến nguồn lực có lạm phát về lao động “chữ” trong khi ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng lớp lao động kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội. Đó là chưa kể đây còn chính là rào cản tâm lý khiến nhiều người trong số họ hưởng nhàn ngay khi bước chân vào thế giới việc làm. Có thể ai cũng sẽ nói làm việc với “Tây” rất mệt, làm việc với “ta” khỏe hơn. Song, thực tế cho thấy ngay cả khi làm việc với “Tây” mà họ than là rất mệt ấy thì cung cách làm việc ở nhiều người cũng rất “tà tà”, luôn kiếm cách để được “nhàn” hơn, và stress dường như chỉ có ở một ít người có vị trí cao hơn mà thôi. Chuyện gánh thêm việc thì càng hãn hữu.

2) Vấn đề tiếp theo là đối với số ít “cổ cồn trắng” may mắn có được hiểu biết đúng đắn tự thân về tích cực vươn lên qua lao động sáng tạo, họ vẫn có khi không gặp may trong môi trường làm việc thiếu hụt cạnh tranh nhưng dư thừa ganh tỵ – một điều tiêu cực đau xót luôn mãi được dấu diếm, khỏa lấp như điều cấm kỵ nhạy cảm không nên nói về cộng đồng người Việt, đó là: nơi đâu có nhiều người Việt hơn, nơi đó sẽ có ít hơn sự đoàn kết tương thân – hoặc nói cách khác, sẽ có nhiều hơn sự câu kết bè phái và phe nhóm. Sự ganh tỵ không những dễ thấy nơi những người làm việc chung ngang bậc hay bậc dưới đối với bậc cao hơn, mà còn kỳ quái khi lại có nơi chính người trên – thậm chí ngay ở cấp CEO và thậm chí CEO của công ty nước ngoài – đối với người dưới nào giỏi hơn – tất cả dẫn đến những người “may mắn” sẽ không dám phát huy cái may mắn trời ban của mình, triệt tiêu năng lực sáng tạo tự thân, chấp nhận “bị” hưởng nhàn để được yên thân.

Vụ thảm sát gia đình một Phó Giáo Sư Tiến Sĩ, Hiệu Trưởng một trường Đại học ở Việt Nam tháng 8 năm 1997 là một thí dụ khi cấp trên ém tài giảng viên cấp dưới vì cấp dưới có khả năng trở thành nhà khoa học nguyên tử lực tài danh của đất nước. Ngoài ra, hầu như chỉ những “phát huy sáng kiến” rất bình thường – đa số là về “tiết kiệm nguyên vật liệu sản xuất và giờ công lao động” – của cấp dưới và cấp thấp như của giáo viên, nhân viên, công nhân lao động, mới được vinh danh, còn sáng kiến nổi bật, xuất sắc, tầm cỡ nào của cấp nào gần sát lãnh đạo hay của chính lãnh đạo dường như vẫn là điều bí mật với công chúng, khiến vô hình chung tạo nên một thông điệp mặc định cho toàn xã hội rằng năng lực đổi mới sáng tạo không là điều cần thiết, thậm chí là điều không nên có trong nội bộ cơ quan hay công ty, vì năng lực ấy đe dọa chiếc ghế của người cấp cao hơn hoặc chỉ đồng nghĩa với năng lực nguy hiểm tiềm tàng một lật đổ soán ngôi.

3) Thứ đến, chiêu bài tập thể rất có thể cũng được sử dụng cho mục đích tiêu cực khi một công trình cá nhân bị gợi ý mang danh tập thể để đôi bên cùng có lợi : cá nhân được tài trợ hoặc công trình được trao giải thuận lợi, còn tập thể có tên các cấp cao hơn để củng cố vị trí lãnh đạo dài lâu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều cá nhân phải bỏ dỡ công trình nghiên cứu của mình do không chấp nhận sẻ chia quyền sở hữu trí tuệ.

4) Điểm cuối cùng song không kém phần quan trọng là cơ chế mang tính quốc gia đối với vấn đề nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và củng cố động lực của nhân viên Việt Nam, trong đó kế thừa là thực tế chứ không là lý thuyết.

Cách nay mười năm (1999), Chính phủ tuyên bố chuẩn chi ngân sách cho việc đào tạo nhân tài với chương trình chọn gởi người du học nước ngoài. Song, điều này có khi lại bị hiểu lầm rằng Việt Nam đang không có nhân tài, rằng không có ai trong mấy mươi triệu dân đã qua học tập và đang đóng góp dựng xây chủ lực cho nền kinh tế quốc dân là nhân tài sẵn có đáng được mời mọc để trọng dụng, và rằng “nhân tài” phải do nhà nước bỏ tiền ra đào tạo chứ những công dân đoan chính không làm gánh nặng của tổ quốc tự đầu tư cho việc học của mình thành danh ở nước ngoài thì không nằm trong danh sách “nhân tài”. Đó là chưa kể người được chọn cử đi du học là trên cơ sở có mang tính thuyết phục cao không và cao đến mức độ nào, tất cả có sẽ hoàn tất thành công việc học tập không, tất cả có sẽ trở về nước sau tốt nghiệp không, tất cả có sử dùng quyền tự do của công dân để không làm việc cho các cơ quan nhà nước khi tốt nghiệp không, và tất cả có thực sự thành nhân tài cống hiến hiệu quả, trung thành với công cuộc dựng xây đất nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa hay không. Tập trung cho việc đào tạo nhân tài theo bài bản ấy tức bỏ qua tính kế thừa vì đã không nói gì về nhân tài đang có. Sự chuyển giao trọng trách sẽ có khoảng trống một thập niên hay một thế hệ, khiến nhiều người thờ ơ với việc nâng cao năng lực, còn động lực bị lệch hướng hoặc triệt tiêu, gây phản ứng tiêu cực dây chuyền nơi lớp trẻ tức những người hiện nay sẽ thêm thụ động mất hết động lực khi vừa chứng kiến việc nhân tài “đang có” không được dùng, vừa biết số nhân tài được “gởi đi đào tạo” sắp về chiếm hết các công việc quan trọng, không còn chỗ cho lòng tin vào ý nghĩa kế thừa và sự cần thiết của vươn lên.

Do đó, ngày nào cơ chế chưa có những thay đổi tích cực căn cơ và mang tính pháp lệnh, ngày ấy người lao động Việt Nam – bất kể màu sắc của cổ cồn – còn bị đánh giá là chưa đạt chuẩn mực về năng lực sáng tạo, làm việc thụ động, ít tinh thần trách nhiệm cá nhân, và khó thể trở thành con người giúp vận hành hiệu quả chương trình phát huy nội lực nước nhà.

Hoàng Hữu Phước, Thạc Sĩ Kinh Doanh Quốc Tế

Tham khảo:

Về Cái Sự Trăn Trở Của Sinh Viên Ngô Di Lân March 7, 2014

Định Tính Và Định Lượng Tuổi Trẻ September 12, 2014

Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật October 6, 2014

Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi! April 20, 2014

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh October 2, 2014

Lời Khuyên Dành Cho Du Học Sinh Việt Nam February 22, 2015

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai April 9, 2015

Đại Học November 4, 2015

Vững Tâm Kiến Quốc July 16, 2014

Sáng Tạo & Thằng Tiến Sĩ Tà Lỏn  04-6-2017

Both comments and trackbacks are currently closed.