Hoàng Hữu Phước Trả Lời Thư Độc Giả

Hoàng Hữu Phước, MIB

16-5-2019

Dưới đây là đăng lại bài trả lời thư độc giả trên Emotino ngày 26-01-2010 vào thời điểm tôi vẫn còn để mở cổng cho phép comments khi không gian mạng chưa bị lân chiếm bởi bọn “lương tâm” như hiện nay.

Trả Nợ Cuối Năm

Hoàng Hữu Phước, MIB

26-01-2010

Năm hết, Tết đến, cũng là dịp để trả nợ, đền ơn. Đã có nhiều câu hỏi từ độc giả Emotino trước ngày 12/5/2009 tôi vẫn chưa phúc đáp, mà như thế thì khó thể là việc đúng của một chuyên gia đào tạo và tư vấn về dịch vụ khách hàng; song, trong thế giới của những doanh nhân, sự thông cảm dành cho nhau luôn là điều mặc định có thật, nên sự chậm trễ trả lời và trả lời ngắn gọn gộp chung ắt sẽ được các bạn hân hoan chấp nhận, không vì sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến tôi phải tiết kiệm ngay cả số lượng từ viết ra, mà là vì sự gộp chung ắt có một ý nghĩa tốt lành về…phong thủy khi đó là sự ..dồi dào, đa dạng, phong phú, như các phẩm vật của một tháp quà tặng Tết.

1- Câu hỏi của nhà báo Thành của Người Lao Động: Bài Chúng Tôi Hạnh Phúc Với Ngày 30-4-1975 anh viết rất mới lạ, độc đáo, không mang một chút gì hơi hướm hô hào cách mạng như người ta đã quá quen nghe. Nhưng có một chi tiết hơi kỳ là anh không thích Nhạc Việt, sao vậy anh? Và cái anh thích là nhạc Đồng Quê Mỹ và Hard Rock trong khi hai thứ này chỏi nhau thì phải?

Đáp: Anh Thành mến, tôi không thích nhạc Việt vì tôi ở Sàigòn trong thời gian chiến tranh lúc nào cũng nghe ra rả loại tân nhạc sến nhão nhoét mà sau giải phóng thành nhạc ăn xin do hành khất ca hát các bài nhạc đó lúc hành nghề, rồi sau đó thành nhạc…hải ngoại do Việt kiều chuyển về, và nhiều bài hiện nay trở thành nhạc “mới” do các ca sĩ hải ngoại đã quá “date” không còn được giới trẻ Mỹ gốc Việt ưa chuộng do nghe hoài phát chán. “Gu” của tôi là nhạc hùng tráng, nên trước 1975 ngoài các sinh hoạt ca hát chốn học đường tôi hay hát các bài nhạc hùng như Bạch Đằng Giang, Lên Đàng, và Tiếng Gọi Thanh Niên, v.v., của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, hay bài Ta Như Nước Dâng, v.v., và buổi tối hay lén bắt đài giải phóng để nghe nhạc hào hùng, như bài Về Đây Với Đường Tàu hoặc Đường Tàu Mùa Xuân gì đấy, tôi quên lời rồi. Các nhạc sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà cố viết nhạc hùng về một gương anh dũng hy sinh thì chỉ cho ra mấy bài gì đấy hết sức thê thảm thê lương chẳng hạn về anh chàng nào đấy tên Đương được phong “anh hùng” mà chả biết cho công trạng hiễn hách nào, hoặc như Phạm Duy đẻ ra bài Việt Nam Việt Nam với tham vọng thay bài quốc ca nhưng ca từ thì cực kỳ nghèo nàn với từ Việt Nam lập đi lập lại hoài dở ẹc, còn bài khác có tựa rất cải lương ẻo lã là “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc” về anh chàng phi công tên Phạm Phú Quốc lái máy bay bỏ bom phía Bắc Vĩ Tuyến 17 (nhiều phi công Việt Nam Cộng Hòa – trong đó có Nguyễn Cao Kỳ – hăm hở lái máy bay Phạt Bắc nhưng vừa bay đến hoặc có vượt qua Vĩ Tuyến 17 một tí đã vội trút ngay hết bom đạn xuống đất ngay đồng trống để hối hả quay về tránh bị bắn hạ), cũng với giọng rỉ rên thống thiết bại xuội – trong khi chỉ nghe bài hát về Nguyễn Viết Xuân của cách mạng là thấy cả bi-hùng-tráng trên cả tuyệt vời. Lúc ấy tôi hay nói với bạn bè học chung thời trung học là nhạc sến như thế thì thế nào cũng mất nước (tức mất Việt Nam Cộng Hòa). Nhưng giải phóng chưa bao lâu thì tôi thất kinh hồn vía khi đọc báo vào năm 1977 thấy có họp hội nghị nhạc sĩ và có đẻ ra nghị quyết “chỉ đạo” từ nay tập trung sáng tác về tình ca. Tôi lại nói với bạn bè rằng thế là chết âm nhạc Việt Nam, vì rằng cái sở trường cực qu‎ý và cực hiếm của nhạc sĩ cách mạng Việt Nam là viết hùng ca, nếu không phát huy thì uổng phí và mất vĩnh viễn, còn tình ca thì là sở đoản, lẽ ra hãy để nhạc sĩ tự do muốn hùng hay tình thì cứ tự do, chứ “chỉ đạo” như thế thì rách việc vì gián tiếp ra lệnh tiêu diệt hùng ca. Bằng chứng là cách đây vài năm có cuộc thi viết bài hát cho bóng đá Việt Nam và đâu có bài nào ra hồn đâu, thấy Thế Hiển ca hét gào thét mà tôi thấy thương hại vì không ai còn khả năng “nhét” được cái khí thế hùng vào bài ca và tiết tấu. Còn hiện nay rất nhiều bài ca tôi không hiểu sao vẫn được phát sóng vì tôi không thể huýt sáo theo được. Một bản nhạc mà không ai hu‎ýt sáo theo được thì đó chỉ là một mớ âm thanh được gán ghép bạo hành thành bản nhạc chứ làm sao ai nhớ được để đem sức sống thọ hơn cho bài ca? Nói vậy không phải tôi không thích nhạc khác nhạc hùng, chẳng hạn nhạc Việt trước 1975 tôi thích bài Lòng MẹLàng Tôi, còn sau 1975 là bài Huyền Thoại Mẹ, và vô số bài nhạc Âu Mỹ êm dịu khác. Tôi thích nhạc đồng quê Mỹ Country Music vì sự tươi tắn, sinh động, réo rắt của tiết điệu đặc thù. Tôi thích hard rock vì tôi luôn làm việc đầu óc căng thẳng, dễ mệt mỏi, nếu nghe nhạc êm dịu thì phí phạm thời gian vàng ngọc do … ngủ gục. Vì vậy, cái gu của tôi là đợi vợ con vắng nhà là đóng kín cửa để không làm phiền hàng xóm, buông màn tắt đèn tối thui, bật máy lạnh 160C, nằm yên trên sofa, ngay tầm tay là dĩa bánh kẹo, ca nước đá cùng thùng DietCoke hoặc Pepsi Light, rồi dùng remote control bật nhạc hard rock ở mức âm thanh đỏ lòm, tức cực đại, mắt nhắm nghiền, người bất động, mồm ngậm kẹo, còn tâm trí nhảy nhót theo sự hừng hực của nhạc. Cứ vậy là sau đó tôi ngồi dậy hăng hái làm việc tiếp, khỏe khoắn vô cùng. Nói tóm lại, tôi thích nhạc đồng quê Mỹ vì đó là dòng nhạc có tiết điệu sống động giống nhạc hùng để tôi thưởng thức; còn hard rock là phương thuốc hiệu nghiệm để tôi nghỉ ngơi thư giãn khi quá mệt nhọc.

2- Câu hỏi của nhà báo Tiến tỉnh Bình Dương: Đọc bài Chúng Tôi Hạnh Phúc Với Ngày 30-4-1975 của anh trên Emotino em thấy quá đã! Cứ như là anh đang nói lên chính cái tấm lòng của em về đất nước mình. Phải nói là em giống y anh. Nhưng có thể em khác anh ở chỗ em không chấp nhận sự có điều kiện để có vị trí cao. Ý anh thế nào?

Đáp: Tiến thân. Nếu Tiến giống ý mình trong ý nghĩ đối với đất nước, thì mình giống ý Tiến đối với vấn đề “không chấp nhận sự có điều kiện để có vị trí cao” nếu cái điều kiện ấy thuộc loại tiêu cực như làm ăn gian dối, buôn lậu, vi phạm luật pháp quốc gia, làm nhục quốc thể, làm hại danh dự cá nhân. Từ nhỏ đến giờ mình luôn ở vị trí lãnh đạo nên không có cơ hội xem nội dung cụ thể các điều kiện ấy như thế nào. Từ lớp 1 mình đã là trưởng lớp một lèo tới lớp 12, đặc biệt từ lớp 6 kiêm nhiệm luôn chức trưởng ban báo chí. Ở đại học thì hơi tréo ngoe một chút, nguyên do là năm 1975 khi giải phóng, lớp trưởng phải là sinh viên đã là hội viên Hội Thanh Niên hay đoàn viên Đoàn Thanh Niên, nên mình chỉ có hai ghế lớp phó học tập và … lớp phó đời sống. Mình thì nổi trội về tiếng Anh, nhưng có anh sinh viên lớn hơn mình 12 tuổi và có vợ con hẳn hoi, nên khi anh nói “Phước thông cảm cho anh nhe, làm lớp phó học tập chạy lăng xăng lên Khoa nhận giáo trình thì được, chớ anh chờ khuân vác rồi cân đong đo đếm nhu yếu phẩm không được đâu.” Khi nhậm chức…giáo viên thì mình ngay lập tức giữ luôn chức trợ l‎ý thi đua Khoa Ngoại Ngữ vì làm gì có giáo viên nào muốn thi đua để thua đi tức mất thời giờ chạy kiếm cơm. Bước ra khỏi trường là trở thành trưởng đại diện công ty nước ngoài, rồi giám đốc công ty nhà nước và nước ngoài. Chẳng ai đưa điều kiện để mình được quyền chấp nhận hay từ chối cả, mà ngược lại, họ hỏi mình có điều kiện gì không để họ đáp ứng, nên mình không có các “trải nghiệm” thực tế. Nhưng nếu ngụ ý có các trường hợp phải đút lót để được bố trí vị trí cao thì dứt khoát mình giống y chang Tiến là từ chối ngay lập tức (có khác chăng là mình sẽ bắt chước Hứa Do ra bờ suối rửa tai, nhưng khác Hứa Do là mình sẽ thận trọng ngó trước nhìn sau để khỏi gặp người như Sào Phủ nói “móc họng”). Vậy anh em mình giống cả đôi đàng rồi còn gì.

3- Câu hỏi của Mr. Barrie Do, Giám Đốc Công Ty TNHH Westok Vietnam, trong bài Suy Ngẫm Của Tuổi 25 trên Emotino:  Chúng ta học những câu danh ngôn của ông cha ta từ nhỏ sao chúng ta không áp dụng nó từ những việc nhỏ bé nhất, mà chúng ta toàn nghĩ đi đâu đó thật xa làm chi? Phải chăng câu đó là “Chó treo, mèo đậy” Như vậy, tất cả những ý trên là phạm trù của triết học phương Tây hay phương Đông? Của Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo…tôi cũng chẳng biết vì tôi chưa được học. Kính mong các bạn, các anh chị, các cô chú giải đáp giúp. Đặc biệt là chú Hoàng Hữu Phước (MYA), nếu chú ghé thăm trang nhà.

Đáp: Mr Barrie Do thân mến. Thật ra trong môi trường toàn cầu hóa của một thế giới phẳng thì không còn ranh giới của Tây hay Đông. Dân kinh doanh Hàn Quốc và Nhật làm đám cưới tại nhà thờ đạo Chúa, còn dân da trắng trí thức Âu Mỹ thì cạo đầu làm Phật Tử. Người Việt tự bao đời gội đầu với bồ kết, để rồi anh đại gia nước ngoài vào Việt Nam sản xuất dầu gội đầu bồ kết với lời quảng cáo kiêu hãnh trên tivi Việt Nam rằng anh ta đã sử dụng khoa học tân tiến để phát hiện tinh chất bồ kết tạo ra dầu gội đầu thượng hạng giúp mái tóc người Việt đẹp khỏe hơn. Việc không áp dụng những lời dạy của ông cha cũng chỉ toát ra một thực tế mang thương hiệu Việt Nam: thường chê những gì mình có, còn nếu đem ra xài thì lại theo kiểu làm biến tướng. Chẳng hạn ông cha ta cười nhạo kẻ ăn cỗ thì lăng xăng tích cực có mặt trước thiên hạ, còn khi có việc khó nhọc thì né trốn mất tiêu, nhưng nhiều cha mẹ ngày nay dạy con cái nên khôn ngoan “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau” mà không biết ngay cả ngày nay ăn cỗ đi trước không là điều khôn ngoan nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm, và lội nước theo sau sẽ mất thời cơ chiếm lĩnh thương trường. Trong khi đó có câu của ông cha ở dạng trung tính (tức giữa tích cực và tiêu cực) thì lại được dân ta khẳng định luôn là tích cực, chẳng hạn câu “có công mài sắt có ngày nên kim”, vì rằng theo phát triển trí hóa của nhân loại thì người ta nên vác cục sắt đổi lấy cây kim cùng biết bao thứ khác thay vì hủy phá tài nguyên mài tiêu tan một khối sắt mà không chắc sẽ được cây kim vì ý nghĩa của “có ngày” đã nói lên sự bất định, không chắc chắn. Khuyên con cái cố gắng học thì thiếu gì câu hay khác – như Hữu Chí Cánh Thành chẳng hạn – cứ gì phải dại dột đem tảng sắt ra mài thế kia. Vì vậy, cái chính là mình nghiệm ra điều gì và quyết làm ra sao. Thiên hạ chở con đi học và mặc con ngồi sau xe ném xuống đường cái ly nước hay hộp mốp đã ăn cơm xong. Tôi chở con đi học tuy không bao giờ để con uống nước hay ăn gì trên xe vì phá tư thế đĩnh đạc một học sinh cần xây dựng ngay từ nhỏ, vẫn cho phép con nhai kẹo để tập thể dục hàm và dặn đi dặn lại là không được phun nhổ ra đường mà chỉ được bỏ vào giấy rồi nói tôi ngừng xe lại để ném vào thùng rác nếu gặp trên lề đường – còn nếu không có thùng rác công cộng thì đưa tôi cho vào túi áo của tôi. Phật giáo hay Thiên chúa giáo hay Hồi giáo hoặc bất kỳ tôn giáo nào cũng có tín đồ vì đều hấp dẫn con người ở nội dung giáo hóa đầy tính nhân văn của kinh sách. Ba Má tôi thuộc phe cấp tiến – dù hai ông bà chẳng hiểu cấp tiến là gì – khi một mặt thờ tổ tiên, thành kính thờ Phật Ông và Phật Bà với hương-đăng-trà-quả gõ mõ đọc kinh sớm tối nhưng ghét đến chùa chiền vì các hay bày vẽ vòi tiền, một mặt cho con cái theo học ở các trường trung học của Công giáo vì cho rằng chỉ có ngọn roi của các linh mục mới có khả năng đưa học trò vào khuôn phép kỷ luật để nên người. Thậm chí khi chị tôi thỏ thẻ muốn vô đạo Chúa, Ba Má tôi ủng hộ, cặm cụi dọn bàn thờ cho gọn để có thể đặt kề nhau hình tổ tiên với tượng Phật Ông, Phật Bà, Đức Mẹ và Đức Chúa (Má tôi rất khó tính toán về tượng Đức Chúa vì Ngài giang hai tay: một tay che mất mặt Phật Ông, một tay đè lên ngực Phật Bà), rồi đêm nào cũng đốt nhang cho tất cả các vị cả mấy chục năm trước khi Tòa Thánh Vatican cho phép giáo dân các nước Đông Á được đốt nhang. Má tôi chỉ dặn Chị hãy hứa là sau này có thương yêu ai thì đừng có buộc người ta phải vô đạo của mình vì như thế là hoàn toàn sai, là hoàn toàn bất kính với chồng cùng tổ tiên gia đình chồng. Chị tôi đã giữ lời hứa với Má tôi. Gia đình tôi vì vậy thành tập thể đa tín ngưỡng rất hòa hợp an vui hạnh phúc đoàn kết: thờ tổ tiên, thờ Phật, đạo Công Giáo, đạo Tin Lành, đi đền Ấn Giáo Hindu và Miếu Bà Việt Nam, thăm Lăng Ông, thờ Ông Quan Công và …Ông Địa – tất cả lấy đạo Hiếu làm trọng; bổ sung bằng tri thức văn hóa cao trong tôn trọng các tín ngưỡng, tôn giáo; và từ đó thể hiện việc đã có được Mẹ Cha giáo hóa đạo hiếu nghiêm túc và có thông hiểu giáo l‎ý đúng đắn qua sự tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc gia – mà trên thế gian này chỉ có một nước Việt Nam duy nhất để tôn thờ.

Nếu Mr. Barrie Do công nhận rằng sự an nguy của quốc gia dân tộc là trên hết thì sẽ thấy giá trị thật sự và duy nhất đúng của tôn giáo là đem lại sự bình an trong tâm hồn để bản thân có thêm sức mạnh và ý chí ra sức hỗ trợ chính phủ nước mình thực hiện thành công đại cuộc bảo vệ đất nước và xây dựng quê hương, trong đó bảo vệ là tiên quyết. Bài học lịch sử thương đau từ sự lũng đoạn của các giáo hội đối với các triều đại Âu Tây lẽ ra đã không thể có nếu các nước ấy ngăn chặn hiệu quả sự lấn sân tham chính của các tổ chức tôn giáo này. Một khi chúng ta thấy không còn gì cao hơn đất nước và gia đình, chúng ta sẽ thấy ngay rằng chẳng còn rào cản dị biệt nào cả về tôn giáo. Người Nhật đã như vậy (không bao giờ nói về tôn giáo và không để tôn giáo nào lấn sân tham chính), và nước Nhật thống trị cả thế giới.

4- Câu hỏi của một bạn nhân viên marketing ngành tư vấn đào tạo: Hình như anh “bức xúc” dữ lắm nên mới viết bài Lại Nói Về Mũ Bảo Hiểm?

Đáp: Dạ bây giờ hết bức xúc rồi vì đã có quy định của Nhà Nước về “mũ bảo hiểm”. Chỉ tiếc là hiện vẫn có nhiều cha mẹ đội mũ bảo hiểm chở con cái đi học không có mũ bảo hiểm. Hóa ra mũ là để đúng quy định chứ không phải để bảo vệ đầu người đội. Chẳng khác nào mặc áo len là để đúng quy định chứ không phải để bảo vệ người mặc khỏi cái lạnh giá gây viêm phế quản. Chẳng khác nào mặc quần áo là để đúng quy định chứ không phải vì không được ăn lông ở lổ. Chẳng khác nào ăn uống là để đúng quy định chứ không phải để bảo đảm người ăn uống còn sống. Thật lạ khi người ta thấy con biếng ăn là tìm món ngon vật lạ tọng vô họng con yêu. Thấy sắp đi Đà Lạt là chuẩn bị áo ấm và khăn phu-la quàng cổ cùng khẩu trang cho con yêu. Nhưng thấy sắp dẫn xe ra đường để chở con đi học là đội ngay mũ bảo hiểm cho riêng mình cho đúng quy định, còn con thì cứ để đầu trần cho tóc bay theo chiều gió. Hiện tôi bức xúc chuyện khác, đó là cần có quy định bất kỳ ai ngồi trên xe ô tô cũng buộc phải thắt giây đai an toàn, và tất cả các xe khách phải trang bị dây đai ở từng chỗ ngồi của khách và phải y như tiếp viên hàng không buộc từng hành khách phải thắt dây. Có như vậy mới giảm thiểu thiệt hại về người nếu chẳng may xảy ra tai nạn trên đường trường liên tỉnh. Các xe bus (và xe taxi) ở Hong Kong chẳng hạn đều quy định như vậy ngay cả khi chạy trong thành phố. Đây là điều đương nhiên ở các nước văn minh. Lẽ nào Việt Nam ở trong danh sách khác?

5- Câu hỏi của một cô giáo Quận Bình Chánh: Em là người Đà Nẵng nên khi đọc bài Người Đà Nẵng của anh trên Emotino em thấy rất vui và gởi ngay đường link cho tất cả bè bạn của em trong …phe Đà Nẵng cùng đọc. Nhưng chắc anh đi nhiều nơi trong nước mình, không lẽ không nơi nào khác cho anh ấn tượng tốt đẹp tương tự như Người Đà Nẵng ?

Đáp: Thưa Cô, người Việt mình dễ thương lắm chứ! Đó là l‎ý do tôi lập gia đình với một phụ nữ Việt. Tùy địa phương mà sự dễ thương ấy có khác nhau. Người Quảng Nam – Đà Nẵng dễ thương trong thể hiện dịu dàng sự chân chất của mình; trong khi đó, cũng là chân chất nhưng người Cần Thơ thể hiện nóng bỏng sục sôi. Năm 2002 trong dịp đi thị sát tình hình kinh doanh của chi nhánh Cần Thơ, lúc vừa bước chân vào văn phòng tôi đã bị một nữ tổ trưởng đại l‎ý nhào đến ôm ghịt trước đám đông chào đón, miệng nói tía lia: “Thầy ơi, em thấy hình Thầy treo trong công ty đã lâu nay mới gặp. Cho em ôm Thầy một cái nhe Thầy! Trời đất ơi, Thầy giống hệt tài tử xi-la-ma La Thoại Tân hồi đó quá xá. Ê mấy ông chụp dùm tui một tấm với Thầy đi!” (Vợ tôi rất quen với việc thấy hoài các bức ảnh nữ nhân viên và nữ đại l‎ý ôm tôi giữa đám đông thanh thiên bạch nhật, nên tôi không có gì phải căng thẳng lúng túng làm chi). Còn trong chuyến thăm chi nhánh Mỹ Tho năm 2003, tôi bị cảm cúm phải bỏ buổi phát biểu. Vậy mà cái “hồn hậu chân chất” của dân Miền Tây được thể hiện khi cô lễ tân hồn hậu chân chất của hotel xịn nhất thành phố đã để một phụ nữ tự do lên lầu gõ cửa phòng tôi lúc 10 giờ 30 tối! Đó là một tổ trưởng đại l‎ý khác cũng của Cần Thơ nghe tin tôi thăm Mỹ Tho nên đã phóc lên xe máy hai bánh chạy hàng trăm cây số từ Hậu Giang lên Tiền Giang (không có mũ bảo hiểm) chỉ để nghe tôi phát biểu. Biết tôi bịnh, Cô tìm đến khách sạn, gõ cửa vào phòng tôi, nói liếng thoắng thật hồn hậu chân chất rằng: “Thầy ơi, em là y tá ở bịnh diệng (viện) tỉnh chước (trước) khi dô (gia nhập) công ty Thầy. Bi dờ (bây giờ) Thầy uống cái nầy (này) nhe, rồi nằm xấp (sấp) xuống, tuộc (tuột) quầng (quần) xuống tới ngang đây để em chích cho Thầy một mũi là hết bịnh liềng (liền). Đừng mắc cở Thầy. Không ai thấy đâu dì (vì) em khóa cửa lại gồi (rồi). Dới (với) lại lễ tân đang coi cải lương mờ (mà)! Đâu có ai chạy lên đây!”  Tất nhiên tôi khiếp đảm, sợ thất kinh hồn vía, phải bấm bụng uống nắm thuốc nghĩa tình để có cớ né vụ chích rằng tôi đã uống trụ sinh liều cao, nay uống thêm các viên thuốc của một y tá giỏi như Cô thì chắc chắn sẽ hết bịnh liềng, không cần chích, sợ … nóng trong người. Hai người một nam một nữ – tên của người nam không phải là Liễu Hạ Huệ của Tàu – ngồi nói chuyện cả tiếng đồng hồ rồi cô gái Miền Tây hồn hậu chân chất ấy cười hì hì sướng vui như trẻ thơ vì được cạo gió (sau … gáy vì bịnh nhân không chịu cởi trần trước y tá) và được Thầy Phước (liều mạng) uống hết một nắm thuốc không tên, lên xe chạy về Cần Thơ trong đêm trường tịch mịch gió mưa rả rích y như cảnh thường thấy của một tuồng cải lương vọng cổ Miền Tây – dù tôi lo lắng và cố thuyết phục Cô để tôi thuê một phòng khác trong hotel cho Cô vì đã khuya mà trời lại đang mưa. Tôi phải thầm nói “Trời đất!” khi nghe Cô hồn nhiên đáp “Trời đấc (đất)! Sao được Thầy? Em là đờn (đàn) bà con gái mà dô (vô) ở khách sạng (sạn) ngừ (người) ta cừ (cười) chết!” Tôi rời công ty ấy từ năm 2006, nhưng vẫn có tin tức đều đặn về Cô, người đang làm Giám Đốc Kinh Doanh trấn nhậm hết chi nhánh này đến chi nhánh khác của công ty ở các tỉnh Miền Tây. Cô vẫn ăn nói liếng thoắng và trong chiếc xách tay da cá sấu sang trọng Cô mua tại Ý trong vô số chuyến xuất ngoại thường xuyên của một lãnh đạo thành đạt như Cô ắt vẫn có cả tỷ viên thuốc không tên, ống chích thủy tinh, kim tiêm xài rồi nấu nước sôi xài lại, sẵn sàng cứu nhân độ thế. Chỉ khác một điều là Cô đã biết dùng mỹ phẩm cho mặt hoa da phấn, và không còn biết xe máy hai bánh là gì.

Má tôi cũng gốc gác lân cận Cần Thơ. Bà hay có cái “tật” là nghe nói trong xóm có người nghèo nào chuyển bụng là kêu xe xích lô “áp tải” đến Từ Dũ ngay, rồi ở lì bên cạnh đài thọ mọi chi phí cho đến khi thấy “mẹ tròn” quay như bánh dầy và “con vuông” vức như bánh chưng mới chịu ra về, mặc cho chúng tôi đi học và Ba tôi tan sở về đến nhà đói meo mẻo mèo meo vì chẳng có cơm ăn! Năm 1975 một bà hàng xóm gốc gác Cần Thơ có chồng (thuộc loại “ác ôn” mật vụ Sài Gòn hay rút súng lục bắn chỉ thiên để hàng xóm biết y là … công an “chìm”) đi học tập cải tạo, ở nhà sinh ra một bé gái, để con đỏ hỏn ngủ một mình, gởi nhà Má tôi coi chừng dùm rồi tuốt ra Chợ Bến Thành trộm cắp gì đấy bị công an Quận 1 tóm gọn. Má tôi nghe tiếng hài nhi oe oe khóc đói, vội qua bế đứa bé ấy về, rồi cởi trần vạch bộ ngực to căng tuyệt đẹp cho em gái út của tôi và đứa bé ấy cùng bú mút, mỗi đứa một bên. Tôi ngồi chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt mỹ ấy, trong khi em tôi ngưng bú, gương mắt ra nhìn, giơ tay qua lại như trách anh mình sao không biết bảo vệ quyền lợi em thơ, để cô bé đối thủ cạnh tranh đang bú hừng hực khí thế xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đứa bé bú nhờ sữa Má tôi sau này thành cô gái trắng trẻo, xinh đẹp như tiên, và có lần nàng tiên mắc đọa ấy đứng trước nhà Má tôi vung chiếc đủa thần nguyền rủa chưởi tục Má tôi, lôi cả cửu huyền thất tổ nội ngoại gia đình tôi ra thóa mạ chỉ vì chiếc xe máy của cô đang đậu gần đấy bị em gái út của tôi dắt xe đạp ra đi học sơ ‎ý đụng sướt trầy (Má tôi trốn trong nhà, níu giữ tay tôi lại, nói : “Đừng, con. Nó ít học, không biết phải quấy. Con mà ra la mắng nó, nói sao lại nó, mất danh tiếng của con” – ý Má tôi là tôi nói giỏi tiếng Anh chớ không phát âm được các từ ngữ đặc thù tiếng Việt không có ghi trong từ điển Tiếng Việt của nước nhà).

Tôi thấy chung quy lại chỉ có hai loại người là tốt hay xấu thôi Cô ạ. Còn nét đặc trưng thì vùng miền nào cũng có. Ánh sáng hồn hậu chân chất của Người Đà Nẵng như từ bức tranh thủy mặc. Ánh sáng hồn hậu chân chất của Người Cần Thơ như từ tia lửa của dây pháo nổ. Và mỗi ánh sáng đều có nét đẹp riêng.

6- Về Nội Dung CV Sample của Mr. Barrie Do, Giám Đốc Công Ty TNHH Westok Vietnam, trên Emotino ngày 16/12/2009.

Đáp: Mr. Barrie Do mến. Tôi thấy việc đăng một mục như vậy trên Emotino là một phá cách tuyệt vời chỉ gặp ở vài tác phẩm điện ảnh lớn, trong đó sự việc được buông lơi để khán giả tự giải thích theo sự trầm mặc riêng. Nhờ Mr Barrie Do không chú thích gì cả nên đã cho tôi cơ hội nói lên ý kiến riêng của mình đối với bản l‎‎ý lịch mẫu ấy.Trước hết, dù cho xã hội Âu Mỹ có đẻ ra kiểu tửng tửng bụi bụi trong giới trẻ đường phố của họ, khi một người sang trấn nhậm tại Việt Nam sẽ không bao giờ tuyển chọn người Việt Nam nào tửng tửng bụi bụi kiểu Âu Mỹ vào công ty của họ. Một tổng giám đốc người Anh sính vận quần jean bạc thếch đã đưa vào nội quy của công ty tại Việt Nam cấm tất cả gần 10.000 người Việt Nam mặc trang phục bằng vải jean, tức áo jean, quần jean, váy jean, đầm jean khi đi làm việc tại các văn phòng của công ty ông ấy. Một ứng viên nam đeo bông tai, xỏ mũi, tóc chải keo dựng đứng, áo phạch ngực, giày thể thao; hoặc nữ ứng viên môi son đen, mi mắt tím, tóc xanh lá cây, và mỗi móng tay một màu khác nhau dứt khoát sẽ không bao giờ được chọn vào làm nhân viên văn phòng ở các công ty Âu Mỹ lớn và nghiêm túc ở Việt Nam. Kiểu tự chứng tỏ bản thân như xâm mình, tạo ngoại hình dị hợm và chế bản l‎ý lịch có nội dung gây sốc không bao giờ được đánh giá cao tại các nước Âu Mỹ, nơi giới bảo thủ tức chủ nhân các thế lực tài chính hùng mạnh thống trị. Giả định rằng tác giả của bản l‎ý lịch ấy không đang diễu cợt, không bị bịnh thần kinh, thì nội dung vẫn bị giới chủ nhân Âu Á Mỹ cho là mang dấu ấn của sự giễu cợt và thần kinh bất ổn. Trong thời đại hỗn mang của suy thoái toàn cầu, chính các giá trị cổ điển phát huy tác dụng, tái khẳng định vị thế độc tôn của nó. Lúc no cơm ấm cật, người ta có thể rậm rật mọi nơi, tôn tụng những cái kỳ quặc như một hình thức sáng tạo mới, ngợi ca những bùng nổ khỏi các rào chắn như sự giải phóng bản thân đến điều viên mãn, cho rằng những nét chữ nguệch ngoạc xấu xí hay những ý tưởng điên rồ có giá trị nghệ thuật cao vời trong quảng cáo. Nhưng khi kinh tế suy thoái, người ta rơi xuống mặt đất, không còn dại dột vung tiền cho những bùng nổ xấu xí điên rồ, và thấy rằng kiểu chữ nắn nót của thương hiệu Diamond tại Diamond Plaza mới đúng là vương giả, sang trọng, chân phương, qu‎ý phái, và tuyệt mỹ. Giới chủ nhân ông mới nhận ra một điều là đồng tiền khó kiếm của họ chỉ nên giao phó cho những ai có bản l‎ý lịch rõ ràng, công phu, chân phương, không đột phá, không phóng đại, không vỡ òa bùng nổ hay gây sốc. Cái tâm l‎‎ý giản đơn “ta tuyển mi vào vì mi nổ quá làm ta vừa khoái vừa hiếu kỳ, mi mà làm không được thì ta ném ra khỏi cửa sổ, có sao đâu” đã trở nên thực tế với ý nghĩ “ ta chỉ tuyển những ai ta tin chắc sẽ nghiêm túc làm việc, không tung hứng diễn xiếc những đồng tiền của ta, vì ta không thể để lâm vào trường hợp phải ném ngươi ra ngoài cửa sổ khi ta ở bờ vực phá sản của chính ta”. Nói tóm lại, thế giới tồn tại nhờ vào những sáng tạo trên nền tảng đúng đắn và nghiêm túc của sự tối cần thiết. Một CV (l‎ý lịch khoa học/hàn lâm) hay một resume (sơ yếu l‎ý lịch) bùng nổ tửng tửng có thể được một công-ty-chưa-lớn chú ‎ý. Một CV hay resume nghiêm túc, chuyên nghiệp, chỉnh chu không bao giờ bị một-công-ty-khó-thất-bại làm ngơ. Trên nền câu “hãy cho tôi biết bạn thân của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”, ta có thể có một phiên bản mới: “hãy cho tôi xem bản CV hay resume bạn đang soạn, tôi sẽ nói bạn đang ở đẳng cấp nào trong thị trường lao động.”

Rất mong có dịp dùng trà với Mr Barrie Do.  

7- Câu hỏi của một Chị: Trong bài Ông trả lời phỏng vấn của Đài Truyền Hình INFO TV và FBNC không thấy Ông nói Ông thích môn thể thao nào mà chỉ nói hồi xưa Ông chơi bóng chuyền còn nay thì đi bộ. Tôi tò mò chút thôi. Đàn ông các ông thì chắc là thích bóng đá rồi, phải không Ông?

Đáp: Thưa Chị, cho tôi gọi Chị là Chị nhe, vì chỉ có phái nữ mới dùng cụm từ “đàn ông các ông”. Hồi nhỏ tôi xem TV đài Mỹ riết nên yêu thích bóng đá Mỹ. Bóng đá Việt Nam và của World Cup là bóng đá soccer (Soccer Football) chỉ dùng chân và đầu (thủ môn mới được dùng toàn thân), và quả bóng hình cầu tròn. Bóng đá Mỹ (thực ra cả hai đều xuất phát từ Anh Quốc) là bóng đá rugby (Rugby Football) dùng gì cũng được nhưng tay là chủ yếu, và quả bóng hình cầu bầu dục. Sau giải phóng, tôi thích xem World Cup. Nhưng 15 năm nay không xem nửa, dù là World Cup hay Việt Nam. L‎ý do đơn giản là World Cup cũng chỉ bấy nhiêu gương mặt anh hào, còn Việt Nam thì chẳng làm nên vẻ vang gì trong suốt ngần ấy năm dài. Tôi không là fan hâm mộ của bất kỳ ai hay đội nào. Tôi chỉ quan tâm đến người chiến thắng. Ai cũng vì màu cờ sắc áo, thế sao họ chễm chệ ngôi cao mà không bao giờ nói vì màu cờ sắc áo, còn ta thì lè tè ở dưới mà cứ mãi dùng nhóm từ sắc áo màu cờ?  Tôi đã thích Manchester United lúc họ có cầu thủ độc đáo Cantona giai đoạn 1992-1997. Không có Eric Daniel Pierre Cantona, MU chỉ là con số không – đối với tôi. Sau này tôi thích Chelsea vì họ có huấn luyện viên độc đáo Mourinho giai đoạn 2004-2007. Không có Jose Mourinho, Chelsea chỉ là con số không – đối với tôi.  Ngoài Cantona và Mourinho, tôi chẳng thấy ai khác nổi bật trong bóng đá cả. Từ 2007 đến nay tôi chẳng thấy còn bất kỳ cầu thủ hay đội bóng nào tôi quan tâm ở các giải ngoại hạng. Hai năm nay tôi mê xem các trận tennis ở các giải Grand Slam và Master. Cầu thủ tôi đang đánh giá cao nhất là Nikolay Davydenko (của Nga) đối với nam, còn nữ thì chưa hề thấy ai nổi bật về tài năng dù rất thích xem các trận đấu nữ vì mức độ “tàn sát” rất cao của các trận ấy. Tóm lại, đối với bóng đá Soccer, tôi chỉ còn xem các trận đấu nữ; đối với bóng đá Rugby, tôi mong ngày nào đó sẽ được xây dựng ở Việt Nam; và đối với tennis, tôi xem đó là sở thích mới. Môn boxing (quyền anh) là môn tôi thấy không nên tồn tại. Môn wrestling (đô vật Mỹ) là môn diễn xiếc đùa nghịch của công nghiệp giải trí đơn thuần, không phải thể thao. Môn đua xe đua, xe ô-tô, hay xe máy, là cuộc đấu của phương tiện kỹ thuật, không phải thể thao. Nói chung, tôi không là người dễ tính, và không chơi môn thể thao mình thích.

8- Câu hỏi của một Cậu: Chú ơi, Chú viết rất ấn tượng về mấy nước Anh và Nhật. Nhưng Chú có “bài ngoại” không?

Đáp: Ấy chết. Không đâu Cậu ơi. Tôi sống ở Sàigòn từ lúc sinh ra tới giờ, Ba tôi theo Tây học, còn chị em tôi cũng thế, thậm chí tôi viết tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt và hiện nay viết tiếng Việt phải nhờ người thân sửa lỗi chính tả dùm. Nay lại là thời toàn cầu hóa, tôi mà bài ngoại thì tự mình đào thải rồi còn gì. Tôi chỉ bực bội khi thấy nhiều người nói hoài điệp khúc vô ích, chẳng hạn phải học ngoại ngữ để tiếp thu văn hóa nước ngoài thay vì nên nói học ngoại ngữ để dạy nước ngoài hiểu về văn hóa Việt Nam, hay nói phải học chăm chỉ vì sự học bao la như đại dương mà không chịu nói phải học chăm chỉ để có ngày ta đóng góp vào cái sự học bao la như đại dương ấy, v.v. và v.v. Cứ học cái hay của thiên hạ, mà sự học thì ngồn ngộn, bao la, gia tăng không ngừng, thì phải chăng người Việt mãi mãi đi học của thiên hạ? Mà đã học của thiên hạ thì sẽ xem thiên hạ ấy là trời đến nỗi mất cảnh giác! Ca ngợi Nhật mà không biết họ đã cướp giật gì của Việt Nam và các nước khác. Ca ngợi Nhật mà không biết dân Nhật đã chấp nhận cảnh củi quế gạo châu, để tự hỏi liệu người Việt ta có dám chịu cảnh ấy chăng. Ca ngợi Nhật mà không biết chính phủ Nhật đã bỏ mặc phúc lợi của dân chúng để tập trung xây dựng kinh tế, để tự hỏi liệu người Việt ta có đã cảm động trước các lo toan của chính phủ mình hay chưa, hay vẫn cứ bù lu bù loa chê bai này nọ. Nếu đã biết rõ trắng đen, người Việt đã không ca ngợi không đúng như thế, tự thấy xấu hổ vì đã không làm được điều dân Nhật đã làm. Người Việt nào ủng hộ chính phủ Việt Nam, giúp chính phủ thực hiện thành công tất cả các chủ trương chính sách của Nhà nước Việt Nam, nghĩa là người Việt ấy có tri thức đúng và thực sự muốn đất nước Việt Nam có ngày hùng cường như nước Nhật.

Chính phủ Nhật chưa bao giờ đúng trước và trong Đệ Nhị Thế Chiến, vậy mà dân chúng chấp nhận tất cả để có ngày nay. Chính phủ Việt Nam luôn luôn đúng trong cách xử lý các tù binh và hàng binh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa khi giải phóng thành công. Chính phủ Việt Nam luôn luôn đúng trong các chính sách đối ngoại và kinh tế tùy từng thời điểm thích hợp. Và còn nhiều điều đúng khác, không thể phủ nhận. Nhưng người dân Việt Nam có đang đồng tâm ủng hộ Chính phủ Việt Nam chưa? Sao vẫn tồn tại những mê muội tải lửa về quê hương sau những chuyến du học hàn lâm? Sao vẫn dễ dàng nghe theo các xách động của kẻ thù quốc gia? Đó mới là những bức xúc nơi tôi, và tôi sẽ còn viết về những sự thật khác mà người ta đã vì nhìn quá lâu vào ánh đèn điện công suất cao trong tháp ngà Mỹ Âu vương giả rồi lóa mắt cho rằng bầu trời buổi chiều tà mát dịu như thơ ngoài cánh đồng lúa Việt Nam là lu mờ tối tăm đáng sợ.

Tôi phải viết vì họ “bài Việt”, chống lại nước Việt Nam của tôi và chúng ta, chứ tôi không “bài ngoại”.

Thân mến.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Nguồn đọc thêm có liên quan khi đăng lại kỳ này:

Người Đà Nẵng: Người Đà Nẵng  25-01-2009

Chúng tôi hạnh phúc với ngày 30-4-1975: Tiếng Việt: VIỆT NAM: Đất Nước Kính Yêu Của Tôi – Cánh Phượng Hoàng Vút Bay Cao Từ Ngày 30/4/1975 Rực Lửa; Tiếng Anh: VIETNAM: My Beloved Nation, the Up-Surging Phoenix from the Scorching Day of 30 April 1975 

Sự Thật & Hão Huyền:

Để Việt Nam Trở Thành Cường Quốc 22-02-2016

Để Việt Nam Trở Thành Cường Quốc: Hão Huyền Singapore 23-02-2016

Để Việt Nam Trở Thành Cường Quốc: Hão Huyền Nhật Bản 28-02-2016

CV (Bản Lý Lịch):  Cách Thức Hai Công Ty Nước Ngoài Mời Tuyển Hoàng Hữu Phước 21-3-2019

Hoàng Hữu Phước Và Thể Thao:

Bóng Đá Việt Nam = Hố Hô  09-12-2010

Đô Vật Và Sự Thơ Ngây Của Người Mỹ 17-11-2015

Bóng Đá Dứa 08-12-2015

Both comments and trackbacks are currently closed.