Hoàng Hữu Phước Và Hiện Tượng “Nhập Hồn”

Bài viết này nói về một chuyện có thật của bản thân người viết có sự tham dự chứng kiến của các thành viên trong gia đình cũng như đã được kể cho học trò và những người bạn . Mục đích đăng blog ngoài việc nói về một hiện tượng dù của muôn đời vẫn chưa hề được muôn đời biết rõ, cũng nhằm gia tăng tính minh bạch với những sự việc liên quan đến bản thân người viết như đã luôn thể hiện trong nhiều trăm bài viết khác trên các blog.

Người đọc được xem như đã đồng ý với các yêu cầu nêu tại Thùng Nước Đá trước khi đọc bài này cũng như các bài khác của tác giả bài viết này.

Hoàng Hữu Phước, MIB

23-3-2018

Dẫn nhập:

Do thiên hạ hay tự nhiên tự tiện tự động nói dè bỉu về cái gọi là “mê tín dị đoan” để ra vẻ ta đây hiện đại văn minh dù vẫn tin tuyệt đối vào các pháp thuật cúng tế trừ tà của tôn giáo cỡ lớn mà mình theo như một thứ “chính đáng” để có quyền cười nhạo bất kỳ những gì khác với giáo lý giáo luật của các tôn giáo bự chà bá ấy của mình, trong khi chẳng hề lưu tâm đến nội hàm ngữ nghĩa vì “trừ tà” đương nhiên có nghĩa mặc định rằng hóa ra tôn giáo bự của mình có sự tồn tại chình ình đầy hoành tráng của tà ma quỷ quái; và cũng do quanh tôi có bao phục binh từ truyền thông của giới ăn mày hải ngoại đến của bọn lưu manh ăn bẩn doanh nghiệp nội địa ngày đêm hít hà cố ngữi cho bằng được một cái mùi nào đó để bôi nhọ hoặc tấn công tôi cho bằng được trên truyền thông đại chúngtruyền tin tiểu chúng dù của giới chính thống hay đám phụ thiết,

Tôi long trọng khẳng định ngay đầu bài viết này rằng những hiện tượng “nhập hồn” là có thật nếu (a) những “nhập hồn” ấy không bao giờ nhận tiền hay bất kỳ lễ vật nào của người đến cầu kiến, (b) những “nhập hồn” ấy không bao giờ nhận tiền hay bất kỳ lễ vật nào của người đến cầu xin được chữa bịnh, (c) những “nhập hồn” ấy không bao giờ làm hại đến danh dự  hay danh tiết của người đến xin cầu kiến hoặc cầu chữa bịnh, và (d) bản thân người “bị nhập hồn” rất ngượng nghịu xấu hổ và luôn cố tránh né hoàn cảnh “bị nhập hồn”.

Trước khi kể những câu chuyện có thật đã xảy ra trong nhà Ba Má tôi từ ngay sau  30-4-1975, tôi xin các bạn độc giả thống nhất đồng tình với 5 nhận xét sau của tôi:

1) Thiên hạ lắm kẻ tức cười ở chỗ sẵn sàng vì những cái không bao giờ có thật để chịu bị lừa đão mất bạc tiền tỷ tỷ, chịu bị lừa đão mất tiết hạnh tiết trinh, chịu bị lừa đão mất mạng cả gia đình, chứ không cần thẩm tra chứng minh miệng lưỡi chào hàng của bọn lừa đão là có thật hay không, nhưng lại sẵn sàng to mồm ra vẽ ta đây khi tuyên bố bản thân không bao giờ tin chuyện ma quỷ và linh hồn vì “ma quỷ và linh hồn không bao giờ có thật” do không ai chứng minh được linh hồn có thật.

2) Tuyệt đại đa số những vị nào mà tuyên bố bản thân không bao giờ tin vào chuyện có ma quỷ linh hồnma quỷ linh hồn không bao giờ có thật do không ai chứng minh được ma quỷ linh hồn có thật, thì toàn là tín đồ của một tôn giáo bự nào đó, mà trong giáo lý của chính các tôn giáo chà bá ấy lại luôn hãnh diện nói công khai công nhận có một thế lực ghê gớm của Quỷ Vương, của tà ma, của Hỏa Ngục, Địa Ngục, hay Luyện Ngục.

3) Giáo lý của các tôn giáo bự chà bá ấy luôn có nói về một thế lực ghê gớm của Quỷ Vương, của tà ma, của yêu mị, của Hỏa Ngục, Địa Ngục, hay Luyện Ngục, mặc nhiên công nhận rằng (a) cùng song song tồn tại với Thượng Đế hay Trời Phật là Satan hay Quỷ Vương; rằng (b) cả hai “phe” đều mạnh như nhau bất phân thắng bại y như hệ thống chính trị “lưỡng đảng” của Hoa Kỳ luôn chọc phá chọc ghẹo chọc tức nhau; rằng (c) tuy “phe” Thượng Đế hay Trời Phật được mặc định là “tốt” thì các chủ tể này của “phe tốt” này lại luôn trừng phạt chúng sinh hư hỏng bằng cách…“gởi” họ xuống Hỏa Ngục, Địa Ngục, Luyện Ngục của “phe xấu” để được Satan hay Quỷ Vương hoặc Diêm Vương cho học tập cãi tạo, chẳng khác nào đấy là những cơ sở do Thượng Đế hay Trời Phật bỏ tiền tài trợ xây dựng nên còn Quỷ Vương hay Satan hoặc là “đối tác” giáo dục đào tạo hoặc là các chức sắc cấp cao trong hệ thống cai quản của Thượng Đế hay Trời Phật; rằng (d) Thượng Đế hay Trời Phật hoặc tự ra tay tàn độc tàn nhẫn tàn sát tàn bạo trừng trị chúng sinh hư hỏng như đã ghi đôi ba lần trong Thánh Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo hoặc nếu thất bại thì tàn diệt tất cả trong Ngày Tận Thế như có ghi trong Thánh Kinh Tân Ước cũng của Thiên Chúa Giáo, nghĩa là sự tàn độc tàn nhẫn tàn sát tàn bạo cũng là một đặc trưng quyền lực rõ nét nhất của Thượng Đế hay Trời Phật; và rằng (e) Ngày Tận Thế là ngày mà Thượng Đế hay Trời Phật bó tay chịu thua trước đà thắng thế bền vững của Quỷ Satan hay Quỷ Vương nên ra tay tàn sát giết sạch chúng sinh – thảo nào biết bao kẻ ở Âu Mỹ cho rằng Satan phải được gọi là Anti-Christ tức không là “Quỷ” mà là vị chống lại Ki-Tô do Ki-tô mới là…“Quỷ” và do đó Tòa Thánh Vatican và Đức Giao Hoàng đều bị phe Thiên Chúa Giáo Tin Lành gọi là Antichrist do dữ dội dữ dằn dữ tợn.

4) Vì các lẽ trên, sự kính trọng phải chăng sẽ là lẽ đương nhiên xứng đáng nếu được dành cho một người phàm trần chân chính hay ngay cả cho một “hồn ma”…chân chính mà mục đích duy nhất của người ấy hay của…“nó” là ra tay giúp đỡ chúng sinh, cứu chúng sinh, hoàn toàn miễn phí, hoàn toàn vô vụ lợi, hoàn toàn bất vụ lợi, hoàn toàn không gây hại cho chúng sinh, trên tinh thần thanh khiết thanh sạch thanh liêm thanh bạch bác ái từ bi của kẻ trần tục họ Trần tên Huyền Trang?

5) Tất các tín đồ nào tin vào Trời/Phật/Chúa của một tin giáo đương nhiên mặc nhiên tin vào sự thật không thể chối cãi rằng luôn có sự tồn tại của ma quỷ/yêu tinh là những đối thủ ngang hàng về sức mạnh với Trời/Phật/Chúa, cũng như mặc nhiên đồng nghĩa với sự khẳng định rằng linh hồn là có thật, mà sự biện luận có thể cho ra mặc định mang tính bất di bất dịch rằng Trời/Phật/Chúa thuộc “phe” tốt có quyền trừng phạt “người” xấu, rằng ma quỷ/yêu tinh thuộc “phe xấu” chỉ có mỗi việc là nhát ma hãm hại “người” tốt, và rằng linh hồn thuộc “phe xã hội dân sự yếu thế”.

Do đó, chỉ có những ai không tin vào bất kỳ tôn giáo nào (lưu ý: chủ nghĩa vô thần không bao giờ đồng nghĩa với “không tin vào bất kỳ tôn giáo nào”) mới lớn giọng phát biểu không tin vào cụm Trời/Phật/Chúa/quỷ/ma/linh hồn.

Từ cơ sở biện luận trên, tác giả là một con người tôn giáo nghĩa là tin có Trời/Phật/Chúa/quỷ/ma/linh hồn và bài viết dưới đây là về một “linh hồn” tức về một hiện tượng có thật.

Và đây là câu chuyện “nhập hồn” đã xảy ra trong gia đình Ba Má tôi.

Trong bài Hoàng Hữu Phước và Những Đứa Em Gái các bạn nào tinh ý ắt đã nhận ra rằng tôi chỉ nói về đứa em gái thứ Tư, thứ Sáu, và thứ Tám, ngoài đôi dòng ngắn về người chị thứ Hai và đứa em trai thứ Năm, tức vẫn thiếu con số Bảy. Đó là đứa em gái áp út của tôi, “Bé Bảy” Hoàng Thị Cẩm Thúy, sinh năm 1970 tại Sài Gòn.

Bé Bảy (1)

Bé Bảy là đứa em xinh đẹp nhất nhà, nhất là lúc em lên sáu tuổi khi mọi người nam phụ lão ấu xóm giềng hoặc ông đi qua bà đi lại nhìn thấy em là luôn luôn bật ra tiếng khen tặng “em bé đẹp quá!” mà đến tận ngày nay hàng xóm của Má tôi hoặc bạn bè của tôi hay của các em tôi mỗi khi nhắc đến Bé Bảy đều nói về sắc đẹp lộng lẫy của cô bé có đôi mắt kỳ lạ với tròng trắng lại mang màu xám nhạt xanh lơ. Tiếc là tôi tuy say mê nhiếp ảnh lại không chụp bức nào lúc Bé Bảy lên sáu lên bảy là lúc bé cực đẹp, mà chỉ có tấm ảnh ở trên, lúc bé lên hai tuổi khi nhìn thấy tôi ngồi thụp xuống chụp hình trước cổng nhà đã với chân trần chập chững lững thững tiến đến với “Anh Ba” khiến tôi tay chụp hình miệng mồm la bài hãi vì sợ bé vấp té.

Năm 1976, khi lên 6 tuổi, một hôm bé bịnh sốt cao. Má tôi bế bé đến “bác sĩ” Mẫn ở gần ngã ba Bàn Cờ-Điện Biên Phủ, vị “bác sĩ” mà trước 1975 Má hay đưa em đến đó khám bịnh. Lần này ông khám qua loa, dành trọn thời gian lảm nhảm chưởi bới cộng sản, khuyên Má tôi nên cho con cái vượt biên, v.v., rồi cho toa mua thuốc cảm cúm (thằng “bác sĩ” khốn nạn này sau đó vượt biên đi mất). Má tôi đến tận ngày nay vẫn còn nguyền rủa thằng “bác sĩ” chế độ cũ ấy. Vài ngày sau, bịnh bé trở nặng. Ba Má tôi đưa bé lên xe taxi bảo người tài xế quen đưa đến bịnh viện nào gần nhất. Không rõ vì sao bác ấy lại đưa đến Bịnh Viện Quảng Đông (nay là Nguyễn Tri Phương ở Quận 5) thay vì đến Bình Dân ở gần nhà hơn.

Khi bịnh viện bảo bé phải nhập viện cấp cứu, Má tôi vội vã về nhà lấy quần áo và vài vật dụng, Ba tôi theo xe cứu thương đến các bịnh viện khác kiếm mua loại máu phù hợp theo yêu cầu của bác sĩ. Em gái kế của tôi (tức “em gái Thứ Tư” đã nêu trong bài trước đây) theo bác sĩ đến phòng xét nghiệm để chuẩn bị truyền máu cho Bé Bảy nếu thích hợp và nếu Ba tôi không đem máu về kịp. Tôi nằm cạnh ôm Bé, người Bé nóng như than hồng. Tôi thủ thỉ vào tai Bé rằng bé hãy cố gắng, chỉ vài hôm nữa là về. Bé thì thào rằng bé sẽ ở lại đấy luôn chứ không về được nữa. Tôi động viên Bé, nói vào tai Bé rằng tuần sau Bé về nhà thì tôi sẽ chở Bé đi Sở Thú chơi vì chưa bao giờ tôi đưa Bé đi chơi ở bất kỳ đâu cả do tôi vừa đi học, vừa đi dạy, vừa hẹn hò với bạn gái, nên chưa thể đưa mấy đứa em đi chơi đó đây. Đột nhiên bé run bần bật chỉ tay ra cửa, nói: “Anh Ba đuổi tụi nó đi Anh Ba! Mấy đứa nhỏ đó bu lại lôi kéo em đi hoài!” và em vùng té xuống nền gạch. Tôi vôi bế bé lên và luôn miệng trấn an bé: “Có Anh Ba nè! Bé đừng sợ! Có Anh Ba nè!”.Tối hôm ấy Bé mất với lý do “không rõ nguyên nhân” dù sau đó một tuần thì chính quyền Quận 3 cho phun thuốc cả khu phố và nói  em tôi đã bị “bịnh sốt xuất huyết” tức một thứ bệnh Việt Nam Cộng Hòa chưa người Sài Gòn nào từng nghe nói đến. Thi thể Bé Bảy được đưa vào ngăn lạnh ở Tang Nghi Quán của Bịnh Viện Quảng Đông, và sau một đám tang nhỏ được tổ chức tại đấy, Bé được đưa thẳng đến Nghĩa Trang Phú Thọ. Quả thực Bé đã không trở về nhà nữa.

Ngay khuya hôm trở về từ đám tang của Bé, tôi ngủ mơ thấy Bé ngồi trên gờ tường trước cổng, còn tôi đứng ôm thân thế nóng như than hồng của Bé, vừa khóc vừa hỏi Bé sao Bé đã qua đời rồi mà còn trở về được vậy và Bé hãy trở về luôn nhé. Cũng từ đó đến nay, chỉ có tôi là người duy nhất trong gia đình là thỉnh thoảng ngủ mơ thấy Bé.

Nhưng dưới đây mới là điều kỳ lạ đáng sợ.

Khi Bà Ngoại tôi nghe hung tin, đã đi xe đò từ Trà Ôn lên. Một tối nọ, sau khi ăn cơm, Bà lẳng lặng xuống bếp tắm. Má tôi cằn nhằn: “ Má ơi là Má! Sao mới ăn cơm mà đi tắm nước lạnh! Má muốn báo con báo cháu hay sao?”. Bà nín thinh tắm. Xong Bà với thân trần, lên lục giỏ kiếm quần áo lành sạch mặc vào, chải tóc vuốt dầu dừa, rồi ra ghế ngồi. Bà đột nhiên khóc, và với giọng nói tất nhiên là của Bà, đã gọi má tôi là Má và gọi tôi là Anh Ba. Mọi người thất kinh hoảng sợ bu quanh Bà, sợ Bà bị điên hay “quỷ ám”. Rồi Bà khóc, nói nhớ nhà, và nói những điều nghe rất huyễn hoặc, nhảm xàm, đến độ nhiều chục năm qua chúng tôi dù tận mắt tận tai chứng kiến cũng không dám kể cho thiên hạ ngoài tập thể gia đình và người thân thiết nghe qua, chẳng hạn như nào là vì Ba Má tôi cứu vớt nhiều người nên “trên” thưởng, cho Bé xuống làm con, nhưng vì “cơ trời” làm nước Việt có đổi thay đão lộn quá lớn khiến đời sống cực khổ quá nên nhất thiết phải đón Bé trở về “Trời”; nào là ở nhà đừng lo buồn cho Bé vì Bé rất được “Phật Bà” cưng yêu, đến độ mỗi ngày cùng vô số bé gái quây quần quanh Phật Bà để học hành thì trong khi mỗi bé có một tấm thảm đẹp lót ngồi thì riêng Bé Bảy được phát cho một “tòa sen” nhỏ xíu để “ưu tiên” ngồi cạnh Phật Bà, v.v. Khi đang dõng tai nghe mấy chuyện hoang đường ấy, tôi rụng rời khi Bà quay sang tôi nói: “Anh Ba nhớ giữ lời hứa nhe! Em về tới nhà rồi nè! Vậy phải chở em đi Sở Thú nhe! Không chở em mà cứ lo cho cái chị đó ở trường là em xô anh té xe ráng chịu!” Lời hứa đó tôi đã chỉ thì thào vào tai Bé Bảy trong phòng cấp cứu vắng lặng, không bất kỳ ai khác ở quanh hay gần đó để nghe nội dung cả! Ít ra trong những chi tiết hoang đường huyễn hoặc nghe giống chuyện xạo, thì cái nội dung lời tôi hứa với Bé 30 phút trước khi Bé qua đời là sự thật. Khi tôi hỏi “Bà Ngoại” cách chở Bé Bảy đi Sở Thú, thì “Bà Ngoại” nói: “Anh Ba vô nhà em kêu em dậy rồi chở em đi”.

Thế là sáng sôm sau, tôi một mình đạp xe đến Nghĩa Trang Phú Thọ (gần Đầm Sen ngày nay), dắt bộ len lõi giữa những nấm mộ đất không theo hàng lối, thỉnh thoảng cả người và xe sụp xuống mấy cái hố đất đào sẵn bị cỏ lau phủ che, để đến mộ Bé Bảy, vỗ nhẹ tay lên tấm bia, nói thì thầm những câu đại loại như: “Anh Ba đến rồi đây. Bé Bảy thức chưa? Dậy đi nghe! Mặc đồ đẹp vô. Anh Ba chờ. Rồi chưa? Vậy leo lên ngồi phía sau anh nhe. Đặt hai bàn tay vịn vô đây nè. Để hai chân lên hai chỗ này. Rồi chưa? Cẩn thận nhe! Lên đường!” Thế là tôi dắt xe len lõi ra cổng, và đạp một lèo đến Thảo Cầm Viên. Sau khi gởi xe, tôi đến cổng mua hai vé, rồi vào trong. Thỉnh thoảng tôi lại mua nước cho Bé uống (mua hai ly, tôi uống một, còn một để trên băng đá ghế ngồi, không hề chạm đến; còn khi tiết kiệm mua chỉ một ly thì tôi để ly đó bên cạnh mình chứ không động đến). Đến mỗi chuồng thú, tôi ngừng lại, lẩm bẩm giải thích này nọ về từng muông thú với Bé Bảy. Khi đã trưa, tôi lại diễn vỡ kịch ở bãi giữ xe, bảo Bé leo lên, bảo Bé đặt tay thế nào, bảo Bé ngồi cẩn thận, v.v., cho đến khi vào tới mộ Bé trong nghĩa trang, bảo Bé hãy yên nghỉ, rồi chia tay Bé ra về.

Cứ thế, trong nhiều năm, tôi cứ đưa Bé Bảy đi chơi Sở Thú như thế mỗi sáng Chủ Nhật. Khi em gái út Thứ Tám của tôi lên 6 hay 7 tuổi, còn em Thứ Sáu của tôi đã đi xe đạp được, tôi dẫn theo hai em và cả ba trên hai chiếc xe đạp vào Nghĩa Trang Phú Thọ đón Bé Bảy đi chơi Sở Thú chung:

Bé Bảy (3)

Sau này, Nghĩa Trang Phú Thọ bị giải tỏa (nay là khu dân cư sầm uất với bao tòa nhà căn hộ cao cấp cao tầng khu vực Âu Cơ-Lạc Long Quân), Ba Má tôi buộc phải tổ chức “lấy cốt” theo lịnh của chính quyền. Nhưng tất cả những gì còn lại của Bé Bảy chỉ là một lóng xương nhỏ xíu như ngón tay út. Tôi đem về dùng cồn đốt cho sạch sẽ vệ sinh rồi cho lóng xương bé nhỏ ấy vào một bình gốm sứ niêm lại bằng xi-măng trắng, đặt trên chiếc bàn nhỏ dùng làm “bàn thờ Bé Bảy” từ sau đám tang của Bé.

Bé Bảy (2)

Khi Ba tôi qua đời, Ba được an táng theo nguyện vọng (ở cạnh Bố Vợ). Anh em chúng tôi có xin Dì cho phép chúng tôi đặt chiếc bình gốm sứ của Bé Bảy gần mộ Ba; và khi được chấp nhận, tôi đã một mình đeo chiếc bình đó trước ngực, ngồi xe khách và qua phà về Trà Ôn, thậm chí những lúc xe ngừng tôi vẫn không theo thiên hạ vào các toilet các quán hai bên đường vì không muốn em mình vào nơi chốn ô uế. Hiện nay, hằng năm anh em chúng tôi từ nhiều nơi trên thế giới tề tựu về Trà Ôn ít nhất hai lần để đến khu mộ gia đình Ông Sáu viếng mộ Ba và mộ Bé Bảy. Trăm lần như một, cứ đến thắp hương vào bát nhang trước ngôi mộ nhỏ xíu của Bé Bảy là tôi lại rơi nước mắt và cứ ngồi đấy vổ nhè nhẹ lên mộ em cứ như đang vuốt lên mái tóc của em thơ và lẩm bẩm nói chuyện với Bé, những lời tâm sự đầy yêu thương mà các anh chị em của Bé đã nhiều năm nghe từ tôi trong khi bản thân Bé chưa từng nghe dù chỉ một lần, rồi xin Bé hãy tha thứ cho tôi vì đã chưa từng nâng niu chăm sóc em tương tự trong cuộc đời này. Mà cứ gì phải về Trà Ôn để một năm rơi nước mắt hai lần cơ chứ! Vì trong cuộc sống trôi qua lằng lặng hơn 40 năm qua, cứ mỗi vài hôm là tôi lại có một đêm nghĩ nhớ về em để lại rơi nước mắt, mà mỗi khi có nước mắt nước mũi như thế thì coi như tôi lại có một đêm trắng về em.

Một chuyện kỳ lạ khác đã xảy ra như sau:

Nguyên khi tôi tốt nghiệp, tôi đã từ chối lời mời gia nhập ngành an ninh-tình báo và ngỏ ý muốn theo đuổi sự nghiệp giảng dạy Anh văn ở cấp độ cao đẳng và đại học ngay tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau đó tôi được bác Mừng tài xế Đại Học Tổng Hợp (bố của các em Thanh Xuân, Minh Ngọc, và Phú Mỹ, là những bé giữ xe đạp sinh viên, được tôi cứu khi các bé bị sinh viên bộ đội Nguyễn Văn Lực đánh tét môi, cũng như được tôi chạy bộ hai lần rượt đánh ngã trộm cướp trước Đài Truyền Hình Thành Phố Hồ Chí Minh lấy lại hai chiếc xe đạp trả lại cho bãi giữ xe) báo cho biết rằng tôi đã được Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh đến xin. Nhưng khi tôi chờ mãi không thấy tên mình trên bảng phân công tác, tôi vào Đại Học Khoa Học (tức lúc Đại Học Văn Khoa đã sáp nhập với Đại Học Khoa Học trở thành Đại Học Tổng Hợp, với cơ sở Đại Học Khoa Học trở thành tổng hành dinh của Đại Học Tổng Hợp) gặp người phụ trách phân công là cán bộ Nguyễn Thị Bình. Cô này đã một cách quan liêu hách dịch tưới nước bọt vào mặt tôi với câu trả lời (cho câu hỏi lịch sự của tôi: Chị ơi, em là Hoàng Hữu Phước, Khoa Anh Văn. Xin cho em hỏi thăm có phải em được Cao Đẳng Sư Phạm xin không ạ?) rằng tại sao tôi biết bí mật phân công và ai đã dám tiết lộ cho tôi. Tôi nín lặng vì sợ Bác Mừng bị vạ lây, bỏ ra về.

Hai tuần sau, Bác Mừng tìm tôi, nói rằng Bác rất ngạc nhiên khi thấy Cao Đẳng Sư Phạm sang xin tôi lần thứ hai do đã qua thời hạn yêu cầu vẫn chưa thấy tôi trình diện. Thế là tôi bạo gan vào gặp cán bộ Nguyễn Thị Bình chỉ để bị tưới nước bọt y hệt. Việc tưới nước bọt lại diễn ra khi tôi vì tin Bác Mừng nên đến gặp bình tưới nước lần thứ ba. Khi tôi về nhà, chuyện kinh dị xảy đến: Bà Ngoại tôi lên chơi vài ngày.

Do Ba Má tôi rất tức giận, cho rằng cán bộ Nguyễn Thị Bình muốn tôi phải “biết điều” đưa “phong bì” nên giận dữ kể Bà Ngoại tôi nghe rồi năn nỉ Bà Ngoại “kêu Bé Bảy” về. Do Bà Ngoại tôi rất dị ứng với cảnh mình bị “một đứa con nít nhập hồn” nên Bà không chịu. Thật ra, kỳ Trung Thu trước đó, lúc Bà có mặt tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Bà lại bị Bé Bảy “nhập”, cầm đèn con cá nhảy cà tưng cà tưng nghiêng đầu nũng na nũng nịu hát ca ca hát tung tăng khắp hẻm, trong khi tôi mắc cở trốn biệt trong nhà, để mình Chị Hai tôi chạy theo bảo vệ Bà Ngoại. Khi tỉnh lại, Bà Ngoại chưởi chúng tôi một trận, bảo kỳ sau mà như vậy hãy trói Bà lại, đừng để Bà làm trò cười ngoài đường ngoài sá.

Khi buộc phải ra tay cứu cháu, Bà cuối cùng chấp nhận. Bà đi tắm, kiếm quần áo sạch mặc vào, rồi ngồi vào ghế. Má tôi vừa đốt một cây nhang cắm vào lọ trên bàn thờ Bé Bảy, khấn kêu em, thì Bà Ngoại đã rùng mình đổi giọng, nhỏ nhẹ chào Ba Má, các anh chị, và em út. Rồi Bà Ngoại nói “Anh Ba gặp nhiều người xấu lắm cho đủ trăm tai ngàn nạn. Bây giờ có chị kia muốn anh đưa tiền nên hại anh đó. Sáng mai anh đốt nhang cho em ở bàn thờ kêu vái em để em xin Mẹ cho em trở xuống rồi anh cứ qua gặp chị đó, có em theo sát bên anh. Nếu chị đó mà mở miệng gây khó cho anh là em sẽ vặn đầu chỉ quay ngược ra sau lưng liền!”

Tuy rất kinh sợ cái nội dung dữ dội “vặn đầu quay ra sau lưng”, hồ nghi đó không bao giờ là lời thốt lên từ đứa em gái nhu mì đáng thương của mình, tôi vẫn nghe lời cả nhà để cứ thử xem sao. Và khi tôi đến vào sáng hôm sau, các đối thoại sau thực sự đã xảy ra:

Sinh viên Phước: Chào Chị. Em biết là Cao Đẳng Sư Phạm lại vừa qua xin em.

Cán bộ Bình: Chào em. Để Chị kiểm lại xem sao. Nhanh thôi. Chỉ có 7 em là có vài  nơi tới xin trong tuần trước thôi mà. À đây. Đúng rồi. Tên em có đây nè. Thấy chưa?

Sinh viên Phước: Nhưng Chị ơi, các danh sách phân công mấy ngày nay trên bảng có tên 6 người về thương nghiệp hợp tác xã và du lịch, chứ chưa có tên em về Cao Đẳng Sư Phạm.

Cán bộ Bình: Sao lại không có? Chính Chị lập dánh sách và tự tay dán mà! Em ra xem lại đi! Mà thôi, đi ra đây với Chị. Ủa! Sao vậy ta? Kỳ vậy? Vậy em ngồi đây chờ. Chị cho đánh máy lại để bổ sung tên em rồi trình Hiệu Trưởng ký ngay, lấy công văn phân công ngay.

Thế là tôi nhận hồ sơ phân công sau đó có mười lăm phút! Nghĩa là các giấy tờ phân công đều đã được Tổ Chức Chính Quyền Thành Phố Hồ Chí Minh ký nhiều tuần trước đó, còn sau đó vài ngày đã có giấy chuyển của Đại Học Tổng Hợp. Toàn bộ hồ sơ của tôi đã bị xếp xó dù đã chuẩn bị xong chỉ vì tôi đã không vừa hỏi vừa kính cẩn dâng nộp phong bì sao? Nhưng tôi không có thì giờ để tự hỏi như thế. Tôi phóng ngay qua Cao Đẳng Sư Phạm vì hôm đó là hạn chót trình diện như ghi rõ trong bản sao công văn xin người của Cao Đẳng Sư Phạm đính kèm trong hồ sơ phân công của tôi. Tiếp tôi là Trưởng Phòng Tổ Chức Cán Bộ Lê Thành. Tôi nhu mì đứng lắng nghe ông mắng tôi một trận, nào là tôi khinh thường ngành sư phạm hử, nào là chạy chọt qua thương nghiệp/du lịch/dầu khí thất bại rồi nên cùng đường mạt vận mới chịu vác cái bản mặt tới với sư phạm ư, nào là tóc tai dài như thế như thế thì phải cắt ngắn chứ sao lại ỷ mình số một tiếng Anh nên cho là có đặc quyền tóc dài hay sao hử, nào là tại Khoa Ngoại Ngữ qua bển đọc hồ sơ mê quá nên nằng nặc đòi xin chớ có mà đừng hòng về ngôi trường sư phạm này, nào là…nào là… Tôi dịu dàng nhu mì hiền hậu lắng nghe, vì tôi biết một điều luôn chính xác 100% là: tôi còn khuya mới để những quan chức thấp kém hơn tôi về đẳng cấp áp đặt lên tôi những tư duy thấp kém của họ.

Em Bảy của tôi là như vậy đấy. Sau này khi lập gia đình, dọn về nhà mới để ở riêng, việc làm đầu tiên của tôi trong buổi sáng đầu tiên ngay sau “đêm tân hôn” là đóng một trang thờ Phật Bà Quan Âm, với một bảng nhỏ bằng mi-ca khắc tên Hoàng Thị Cẩm Thúy để gần chân tượng Phật Bà.

Kể từ khi Bà Ngoại qua đời, gia đình Ba Má tôi không còn xảy ra những việc “nhập hồn” như thế nữa. Song, đã thành thói quen của mọi người khi lần nào sắp đi xa hay lúc ốm đau, người nhà tôi đều khấn vái “Bé Bảy”.

Và nhờ kinh qua thực tiễn như trên, tôi có thể khẳng định là

a) việc “nhập hồn” là có thật;

b) “nhập hồn” là tổ xạo và lừa bịp nếu người “nhập hồn” có thu tiền, thu quà, thu lễ vật, thu…tình của người tìm đến cầu cạnh sự giúp đỡ của “hồn nhập” ; và

c) người bị “nhập hồn” không bao giờ có chuyện khách bu đến nườm nượp để thu tiền nườm nượp vì bản thân người ấy cực kỳ ngượng nghịu, cực kỳ xấu hổ, cực kỳ bực dọc, cực kỳ tránh né, và cực kỳ mệt nhọc không thể làm gì được nữa sau một lần “bị nhập.”

Gặp Lại Năm 2015:

Lần gần đây nhất tôi được gặp em là khi tôi trong giai đoạn dưỡng bịnh năm 2015 tức thời gian tôi vắng mặt trong hai Kỳ Họp Quốc Hội cùng năm.

Tại bịnh viện ấy, tôi nằm ở khu dịch vụ tại phòng máy lạnh duy nhất còn chỗ trống. Căn phòng tiện nghi có bốn giường, với ba bịnh nhân. Hàng đêm, vợ tôi ngủ trên chiếc ghế bố cạnh giường tôi vì chiếc giường trống đã có một phụ nữ khác ở chăm sóc chồng sử dụng trước. Suốt một năm dưỡng bịnh tại đấy, tôi giữ bí mật triệt để và không những cả khu phố địa phương cư trú chẳng biết tôi nằm viện và cả bịnh viện không biết tôi là Nghị-sĩ Khóa XIII đương nhiệm, mà toàn Văn Phòng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Thành Phố Hồ Chí Minh và Thường Vụ Quốc Hội đều không hay biết chi tiết thật sự chính xác tôi bịnh gì (vì chỉ khi gần đến ngày khai mạc Kỳ Họp, tôi mới gởi đơn xin vắng mặt vì lý do bịnh cảm cúm vớ vẩn “đột xuất” tình cờ xảy đến trùng ngày khai mạc), để không bất kỳ ai tìm đến vấn an sức khỏe tôi — mà chính ra là để người dân và học trò tôi không phải tốn tiền và bỏ công ăn việc làm để thăm tôi. Hôm tôi được đưa đi cấp cứu, một nam nhân viên y tế trực Phòng Cấp Cứu ở bịnh viện nọ đã hỏi vợ tôi rằng có phải “chú ấy” là “đại biểu Phước” không, rồi bật khóc nói với giọng Quảng Nam rằng “ở quê con nhiều người dân thương chú lắm”. Thế là trên đường xe cấp cứu chở tôi chuyển viện, tôi bảo vợ tôi hãy cố giữ bí mật để đừng làm phiền đến người dân mà đa số là người nghèo.

Một đêm nọ vào ngày Thứ Bảy, người phụ nữ nuôi bịnh chồng xin phép bịnh viện đưa chồng về nhà đôi ba ngày để ăn giỗ, và vợ tôi tất nhiên có giường ngủ tạm thẳng lưng thay vì trên chiếc ghế bố. Do máy lạnh để ở 250C tôi khó ngủ (tôi chỉ quen với nhiệt độ 160C nhưng vì bịnh viện để nhiệt độ cố định ở 250C rồi cất remote control ắt do thấy giá phòng dịch vụ cần phải tăng thêm chăng). Nhưng khi vừa chợp được mắt thì tôi lại thình lình bị lay dậy. Tôi thấy căn phòng vẫn tối tăm với ánh sáng tù mù lay động bóng cây từ hành lang hắt vào qua cánh cửa có khung kiếng mờ, ông bịnh nhân thứ nhì vẫn đang ngủ say, vợ ông ấy vẫn xoay trở trên ghế bố, vợ tôi vẫn đang ngủ tạm trên giường trống đối diện, còn đang đứng cạnh giường tôi là em gái thứ Bảy của tôi trong chiếc áo đầm trắng nhìn tôi dịu dàng nhân từ nhân hậu. Tôi ngồi bật dậy giang hai tay ôm lấy em, nhưng em nhanh nhẹn lách tránh rồi tung tăng chạy loăng quăng nghịch ngợm nhún nhẩy trong phòng, thỉnh thoảng chạy gần đến tôi hơn để tôi thêm một lần ôm hụt, và em lấy thế làm trò vui. Đứa em gái mà nếu còn sống thì đêm hôm ấy lẽ ra đã xuất hiện trong hình dáng một thiếu phụ 45 tuổi, còn đứa em đang nhảy múa trước mặt tôi lúc này vẫn đang mang hình hài đứa bé lên 6 của ngày xưa. Chỉ khi nước mắt tôi ứa ra, em mới ngưng chạy, nhẹ nhàng bước đến gần, u buồn im lặng vói tay chạm lên gò má tôi, rồi vuốt lên chỗ vết thương chưa kín miệng của tôi. Khi em vẫy tay rồi chạy lướt đi, tôi ú ớ can ngăn, chỉ để thấy quanh mình cảnh vật vẫn như cũ, với tôi trên giường trong bộ tịch ngoái đầu giơ tay phải vói ra phía cửa nơi em vừa chạy ra hướng ấy, mặt tôi đầy nước mắt, và cảm giác rần rần nơi vết thương chẳng khác nào tất cả là sự thật rằng bàn tay bé nhỏ của em ấy thực sự đã mới chạm vào.

Tôi kể lại ngay cho vợ tôi lúc vợ tôi giật mình bước qua khi nghe tôi ú ớ gì đó. Khi Má tôi và các em tôi nghe kể lại chuyện kỳ lạ ấy, mấy đứa em tỏ vẽ ganh tỵ vì chỉ có tôi được nhìn thấy Bé Bảy trong những giấc mơ trong nhiều năm qua. Đứa em gái út thứ Tám là buồn nhất vì nó nghe cả nhà nói “Chị Bảy” của nó đẹp lộng lẫy nhất nhà nhưng nó không thể biết “Chị Bảy” đẹp ra sao vì khi “Chị Bảy” mất nó mới lên hai tuổi, còn tấm hình còn sót lại của “Chị Bảy” thì chụp lúc “Chị Bảy” lên hai, chưa tuyệt đẹp như lúc lên sáu. Tôi phải an ủi nó rằng nó là đứa con duy nhất trong các anh chị được thấy Ba trong những giấc mơ, trong khi tôi chỉ được thấy Ba có một lần cũng tại phòng dưỡng bịnh ấy năm 2015 hai ngày sau khi Bé Bảy đến “thăm” tôi như kể ở trên. Nghĩa là đừng buồn, vì “Chị Bảy” thương Anh Ba nhất nhà là lẽ đương nhiên y hệt như Bé Tư Bé Sáu Bé Tám thương Anh Ba nhất nhà vậy, còn Ba thương Bé Tám nhất nhà là lẽ đương nhiên y hệt như Anh Ba thương Bé Tám nhất nhà vậy. Thế là huề nhé!

Tôi biết chắc rằng rất nhiều người đã từng gặp những hoàn cảnh tương tự như vậy, nhưng họ hình như cùng tin rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu giữ những điều kỳ lạ ấy cho riêng họ và gia đình họ vì miệng lưỡi người đời dễ dàng dè bĩu họ, mắng họ mê tín dị đoan, và mĩa mai rằng họ nói điều bá láp.

Tôi xin cảm ơn những ai khi đọc bài này xong đã thầm nhủ rằng bản thân họ cũng đã gặp tình huống gần giống vậy, và cũng đã tin rằng quả thực trong thế giới thật này luôn có sự tồn tại của những sự thật khác mà không bao giờ có thể được chứng minh.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Bố Vợ:  Hoa Tàu   24-12-2015

Bôi Nhọ: Bôi Nhọ  02-12-2015

Đêm Tân Hôn:  Đám Cưới   09-12-2015

Em Gái Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Tám:  Hoàng Hữu Phước và Những Đứa Em Gái  06-02-2018

Gia Nhập Ngành An Ninh-Tình Báo: Tôi Và Ngành An Ninh Tình Báo   26-12-2015

Hít Hà Ngữi Mùi: Những Lập Luận Kỳ Quái Của Người Tự Xưng Là TS Trần Minh Hoàng  25-01-2014

Mê Tín Dị Đoan: Mê Tín Dị Đoan  05-3-2018

Mộ Ông Sáu: Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Đã Ngăn Chặn Thành Công Một Cuộc “Biểu Tình” Ngay Từ Trong Trứng Nước  10-3-2018

Thanh Xuân, Minh Ngọc, Phú Mỹ: Đám Cưới   09-12-2015

Thùng Nước Đá: Thùng Nước Đá và Blog 14-7-2013

Tôn Giáo Bự: Hoàng Hữu Phước Và Tôn Giáo  24-10-2017

Both comments and trackbacks are currently closed.