Chuẩn Mực 46 Của Nghị Sĩ Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập Hiến và Lâp Pháp Quốc-Hội Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nghị-sĩ Thành-phố Hồ Chí Minh Khóa XIII, Ứng Cử Viên Quốc Hội Khóa XIV và XV

04-02-2018

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Bài viết dưới đây không là một “công bố” (như kiểu một tên đại quan trí thức hưu trí nào đó của Đảng “công bố” cách viết mới cho chữ tiếng Việt cứ như thể là công trình nghiên cứu chính thức chính quy chính đạo do Đảng và Nhà Nước phung phí ngân sách từ tiền thuế của dân ra đặt hàng vậy) mà đơn thuần là ý kiến riêng của cá nhân tác giả đối với những thay đổi tác giả kiên quyết thực hiện cho bản thân với tư cách một cử tri bắt đầu áp dụng từ kỳ Bầu Cử Quốc Hội Khóa XV, được viết cho chính tác giả và cho những ai muốn xem chơi và tự chịu trách nhiệm cho việc xem chơi của họ với tư cách những người trưởng thành có trí tuệ và có giáo dục. Vì vậy, xin trân trọng in đậm rằng tiêu chí Thùng Nước Đá và Blog vẫn luôn hiệu lực.

Ngoài ra, tác giả cần phải nói rõ là đại đa số các nghị sĩ Khóa XIII là những nghị sĩ Đảng viên Cộng Sản rất can đảm và có lòng yêu nước vì Đảng vì dân khi đã dám bày tỏ chính kiến ủng hộ phát biểu của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước về Luật Biểu Tình bằng cách vỗ tay tán thưởng ầm vang hơn sấm dậy gây rúng động Hội Trường Quốc Hội, tạo nên khoảnh khắc lịch sử chưa từng có tiền lệ khi một nghị sĩ đứng phát biểu tại chỗ lại được tung hô thay vì chỉ có nghị sĩ được mời lên bục phát biểu mới được vỗ tay như từ khi lập quốc Việt Nam thời nghị viện.

Chuẩn Mực 46 Của Nghị Sĩ Việt Nam

A- DẪN NHẬP

46 năm, tức tính tròn một phần hai thế kỷ sẽ qua vào năm 2021 kể từ năm 1975 có cơn địa chấn suýt xé nứt toạc Địa Cầu thành hai tiểu hành tinh: Cộng Sản Thống Nhất Việt Nam, biến Việt Nam thành quốc gia rộng lớn nhất, hùng mạnh nhất, khiến nhân loại kinh sợ và kính sợ nhất, trong toàn bộ lịch sử gần 5.000 năm của đất nước ấy mà chưa từng bất kỳ một tiền nhân nào đạt được.

Vào năm 2021 của kỳ bầu cử Quốc Hội Khóa XV sẽ có rất nhiều ứng viên “trẻ” diện 46 tuổi sẽ được Đảng và Mặt Trận Tổ Quốc trang điểm tuyệt vời để trang trọng trình ra cho nhân dân chọn mặt gửi vàng.

Mặt không bao giờ có nghĩa là mặt nạ hoặc mặt của bất kỳ ai càng không thể là mặt người dạ thú, mà là vị thần nhân giữ vàng cho dân tộc có khẳ năng làm gia tăng ồ ạt cực đỉnh chất lượng cùng số lượng của “vàng”.

Vàng là tổ hợp gắn kết 7 phân tử chặt chẽ không bao giờ rời tách của

(a) lòng tin thật sự của người dân vào cá nhân từng “mặt”,

(b) tương lai của đất nước đã và sẽ tốt đẹp ra sao với sự góp mặt của “mặt” ấy,

(c) vị thế của nước nhà đã và sẽ tốt đẹp ra sao với sự góp mặt của “mặt” ấy,

(d) uy tín của quốc gia về sức mạnh quân sự trên trường quốc tế đã và sẽ tốt đẹp ra sao với sự góp mặt của “mặt” ấy,

(e) uy tín của quốc gia về sức mạnh kinh tế trên trường quốc tế đã và sẽ tốt đẹp ra sao với sự góp mặt của “mặt” ấy,

(f) uy tín của quốc gia về sức mạnh nhân lực trên trường quốc tế đã và sẽ tốt đẹp ra sao với sự góp mặt của “mặt” ấy, và

(g) tất cả tài sản Nợ hiện hữu của quốc gia đã và sẽ ra sao khi sự tín thác vào từng “mặt” ấy luôn là: phải gia giảm và phải gia tăng tương ứng trước sau.

Vàng không phải là cân lượng của một thứ quý kim mà để có một tấn thứ ấy, người ta phải đập nát 2 triệu tấn đá làm hủy hoại gương “mặt” của Địa Cầu.

Do vàng quý như thế, nó không thể bị thẩn thờ thủng thẳng thì thào thậm thà thậm thụt trao vào tay những nộm nhân nhát quạ một cách thênh thang không thổn tha thổn thểnh trước thử thách bất kỳ mà chỉ toàn thưởng thức thẩn thơ thơ thẩn đầy thư thái và khi hạ cánh thì sở hữu các biệt phủ toàn thời thượng.

Diện 46 là tập thể các ứng viên đa số có độ tuổi từ 40 đến 55 vào thời điểm Bầu Cử Quốc Hội Khóa XV (2021-2026), tức ở lứa tuổi của điển hình Vũ “Nhôm” Phan Văn Anh Vũ.

Như vậy, tác giả đã quan tâm đến những vấn đề sau có liên quan đến mỗi ứng cử viên “diện 46” của Quốc Hội mà trước mắt là Kỳ Bầu Cử Quốc Hội Khóa XV (2021-2026).

B-  2 LƯU Ý

1) Ứng Cử Viên Chiến Lược

Các chuẩn mực lựa chọn dưới đây chỉ áp dụng cho tất cả các ứng cử viên cơ cấu chứ không áp dụng cho thiểu số các ứng cử viên chiến lược tức hơn chục ứng cử viên đang trong hoặc sẽ nằm trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, tức những người sẽ lãnh đạo quốc gia trong Bộ Chính Trị, Quốc Hội, Nhà Nước, Chính Phủ, và các cơ quan tuyệt đối quan trọng như các Bộ Quốc Phòng và Công An.

2) Ứng Cử Viên Cơ Cấu

Ứng cử viên cơ cấu là dành cho khoảng 480 ghế nghị viện cho những ứng cử viên được xếp theo thứ tự từ đa số đến vô nghĩa gồm 10 diện sau:

(a) đảng viên chức sắc cấp cao đang nắm quyền lực ở mỗi địa phương, phục vụ tiêu chí “địa phương”;

(b) đảng viên chức sắc cấp cao đang nắm quyền lực ở các cơ quan trung ương được giới thiệu về mỗi địa phương, phục vụ tiêu chí “trung ương”;

(c) một số đảng viên chức sắc cấp cao đang nắm quyền lực ở cơ quan Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, phục vụ tiêu chí “trẻ”;

(d) một số đảng viên chức sắc cấp cao đang nắm quyền lực ở cơ quan Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, phục vụ tiêu chí “mặt trận”;

(e) một số đảng viên chức sắc cấp cao đang nắm quyền lực ở cơ quan Hội Phụ Nữ phục vụ tiêu chí “phụ nữ”;

(f) một số đảng viên chức sắc đang nắm quyền lực ở một “Hội” nào đó phục vụ  tiêu chí “giai cấp”;

(g) một số đảng viên chức sắc đang nắm quyền lực ở các địa phương vùng sâu vùng xa phục vụ tiêu chí “sắc tộc”;

(h) một số tu sĩ phục vụ tiêu chí “tôn giáo”;

(i) vài “đại gia kinh tế” cỡ Võ Quốc Thắng, Đặng Thành Tâm, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, và Châu Thị Thu Nga, v.v., phục vụ tiêu chí “thành công nổi bật trên thương trường”, lâu lâu có vị còn giúp hỗ trợ nâng cao hơn tỷ lệ cộng thêm cho cả tiêu chí “ngoài quốc doanh”, và/hoặc “ngoài Đảng”; và

(j) một hoặc hai “dân đen” ngoài Đảng như cỡ Hoàng Hữu Phước, phục vụ bổ sung hai tiêu chí “ngoài Đảng” và “tự ứng cử” vốn có số lượng ít một cách vô nghĩa, lâu lâu có vị còn giúp hỗ trợ nâng cao hơn tỷ lệ cộng thêm cho cả tiêu chí “ngoài quốc doanh” và… “trên đại học”.

C-   5 CHUẨN MỰC “CHỌN MẶT GỞI VÀNG”

Các chuẩn lựa chọn cho tập thể đông đúc các ứng cử viên cơ cấu, tất nhiên, không áp dụng đầy đủ như nhau cho tất cả 10 diện kể trên, đơn giản vì chẳng hạn như diện hạng bét “j” là “dân đen ngoài Đảng” tất nhiên không được Đảng và Mặt Trận Tổ Quốc đánh bóng tên tuổi như trong danh sách đầy đủ các thành tích hiển vinh của các nhân tài tinh hoa trí tuệ của Đảng, trong đó kỳ lạ thay khi dù chính Đảng đã đào tạo, rèn luyện, quản lý, giám sát, bổ nhiệm, khen thưởng, tấn phong, Đảng vẫn không thể biết tí gì về các nhân tài trí tuệ đó của Đảng đối với 5 mặt sau nên không bao giờ Đảng và Mặt Trận dám liệt kê rõ khi giới thiệu họ với nhân dân tức cử tri:

(a) danh tiếng định lượng lẫy lừng về đức liêm khiết, chí công, vô tư;

(b) danh tiếng định lượng về “hành” ra sao trên cơ sở đã vĩ đại sẵn về “học” từ tiền thuế của người dân;

(c) danh tiếng định lượng về công lao cụ thể trong chống tham nhũng;

(d) danh tiếng định lượng về công lao đưa tài sản cơ quan/tổng công ty Nhà Nước giao cho đã gia tăng cụ thể bao nhiêu tỷ đô và làm biến mất các khoản nợ cụ thể bao nhiêu tỷ đô mà các nhân tài tiền nhiệm trước đó của Đảng đã từng cống hiến đức tài  miệt mài gầy dựng ngược lại nên ngày càng chết khiếp, và

(e) danh tiếng định lượng cụ thể về “tu thân” và “tề gia” bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – gương sáng bản thân về lòng hiếu thảo, gương sáng gia đình đạo đức, gương sáng gia đình hạnh phúc, gương sáng gia đình lương thiện, và gương sáng gia đình chăm lo thiện nguyện xã hội, v.v.

Đối diện với sự thiếu vắng 5 chi tiết trên vì lý do “bí mật quốc gia” và “bí mật an ninh – quốc phòng”, tôi đề ra 5 chuẩn mực sau làm phương cách để tôi thẩm định được từng ứng viên nào do Đảng và Mặt Trận trực tiếp giới thiệu cho tổ hợp ứng cử viên cơ cấu:

1) Chuẩn Mực 1: Tác Phong

46 năm, tức gần nửa thế kỷ tính từ năm Giải Phóng 1975 đến năm bầu cử Quốc hội Khóa XV 2021.

Tại một quốc gia xem trọng giáo dục, đầu tư khủng khiếp cho giáo dục, liên tục tiến hành các đại cuộc cải cách giáo dục; thừa hưởng thời gian dài tiếp cận, hòa nhập và hòa tan vào toàn cầu hóa đặc biệt trong kinh doanh và văn hóa văn minh hiện đại; và luôn giương cao ngọn cờ học tập Lãnh Tụ Hồ Chí Minh như Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, thì không thể chấp nhận những ứng cử viên Quốc Hội nào vẫn có tác phong ăn mặc không tươm tất, không phù hợp.

Hình ảnh tệ hại – theo chuẩn chuyên nghiệp do Hoàng Hữu Phước đề ra – không bao giờ phù hợp có thể được nhận thấy qua Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải và nhân tài nhóc Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ Vũ Minh Hoàng.

Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải khi tiếp các đoàn khách nước ngoài thường xuất hiện (qua toàn bộ các phóng sự trên TV) không với bộ suit đen (người Việt bình dân xưa nay hay gọi sai là bộ “veston” hay còn gọi nó bộ “vest” gồm áo “vest” cùng màu với quần tây dài hai ống tức “trousers”), mà với áo jacket khác màu với quần tây dài hai ống, và với hoặc không với cravat (nếu có thì được thắt buông lơi còn nút áo trên cùng không được cài do nhột nhạt cổ hoặc sợ cổ áo ghịt nghẹt thở). Cách ăn mặc như thế của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải là không lịch sự, hoàn toàn sai về mặt lễ nghi trang trọng trong đối ngoại cấp Nhà Nước và quốc gia. Cách ăn mặc jacket + trousers như thế ở Âu Mỹ là chỉ dùng cho (a) khi làm việc thoải mái informal của cấp thấp, (b) khi làm việc thoải mái của cấp cao nhất nhưng chỉ trong nội bộ và chỉ với nội bộ của cái đấng gọi là cấp cao nhất ấy hoặc khi có các buổi họp cấp cao nà giấy mời có ghi rõ từ “casual” tức xin cứ ăn mặc kiểu jacket + trousers + khỏi thắt cravat, (c) khi chẳng làm việc gì cả, (d) khi đi cà lơ phất phơ ngoài đường lo việc riêng hoặc lo việc chẳng của ai cả, hoặc (e) xem jacket thay cho áo ấm tức áolạnh.

Nhân tài nhóc lóc chóc Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ Vũ Minh Hoàng khi dự tiệc đứng với các quan chức nước ngoài và lúc lên sân khấu nhận giấy bổ nhiệm ra làm đại quan, chỉ mặc áo sơ mi dài tay bỏ trong quần tây dài hai ống, không đeo cravat, và xắn tay áo. Đây là phong cách không bao giờ thích hợp khi dự tiệc với những người nước ngoài ăn mặc toàn suit hoặc sơ mi dài tay không-xắn-tay có đeo cravat. Đó cũng là phong cách hỗn láo và “quê một cục” khi lên sân khấu nhận Giấy Bổ Nhiệm quản lý một “Cục” của cấp Sứ Quân. Tác giả bài viết này – tất nhiên ngoài “tài đức” là chính – luôn được chọn vào các vị trí lãnh đạo bởi các đơn vị nước ngoài vì không bao giờ có các tác phong ăn mặc quê một cục” không thích hợp như thế – đã luôn vất vào sọt rác tất cả các đơn xin việc của bất kỳ ai đến dự phỏng vấn mà có tác phong ăn mặc không trang trọng sai hình thức formal Âu Mỹ kể cả khi đó có là nhân tài duy nhất của toàn nhân loại đi chăng nữa. “Cái áo không làm nên thầy tu” chỉ có nghĩa “tâm Phật/tâm Chúa không là sở hữu độc quyền của tu sĩ”, chứ không phải có nghĩa nhà tu hành cứ việc để tóc dài vuốt gel, mặc quần jeans, áo thun ba lổ, cổ đeo dây xích quý kim có treo hình đầu lâu xương chéo, và tự do nhậu nhẹt dâm loạn ồn ào karaoke điếc tai hàng xóm, xách động xuống đường chống Chính Phủ, miễn sao vẫn có tâm Phật/tâm Chúa từ bi!

Trong ba thập niên đầu sau ngày 30-4-1975, rất nhiều quan chức nam của Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ đến địa phương họp luôn với áo sơ mi ngắn tay bỏ ngoài, đội nón cối, đi dép râu hoặc giày sandal, hoặc giày tây không mang vớ, hoặc mang giày tây có vớ nhưng cởi bỏ ngay dưới gầm bàn ngay khi ngồi vào chỗ, hoặc giày tây ngụy trang có tất tần tật trừ phần che gót.

Vài vị nam nghị sĩ Khóa XIII Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 2011-2016 vẫn còn phong cách tụt bỏ giày như thế khi đã ngồi vào chố trong Hội Trường Quốc Hội, có vị lại dáo dác nhìn quanh nói bâng quơ “lạnh quá” cứ như để mong sao có ai đó can thiệp với bộ phận kỹ thuật điều hòa không khí tăng nhiệt độ lên, bất kể việc tăng đó có làm bực mình số đông những nghị sĩ khác vốn thích “lạnh” hay không. Phong cách ăn mặc thì luôn “bình dân” xuề xòa, nhưng xử sự thì luôn “ta mới là chính” tức kiểu xử sự y chang lúc chễm chệ vua chúa đòi hỏi đủ thứ tại các cơ quan nguy nga của mình tại Thành phố Hồ Chí Minh, tức cung cách dứt khoát phải chấm dứt. Cách chi mà phù hợp với thời đại mới khi đầu óc cứ lầm xem phong cách bình dân là “gần gũi với nhân dân”, mà không nhận ra rằng mấy thằng Đảng viên tội phạm kinh tế toàn đi siêu xe của doanh nghiệp cúng dâng, tỉnh bơ đẩy kéo va-li hơn chục tỷ vô nhà thật quen tay, thản nhiên bỏ trốn ra nước ngoài làm nhục quốc thể, v.v., toàn là những thằng ăn mặc xuề xòa bình dân để gần dân ấy.

Do vậy, nếu sinh ra vào thời 1975, hưởng toàn bộ các chế độ chăm sóc cưng chiều của Đảng, để leo lên chức vụ cao làm việc trong môi trường sang trọng đầy đủ tiện nghi và vô số lần công tác nước ngoài mà vẫn thấy vừa nhột cổ vì cravat và vừa hầm chân vì giày vớ, bất kỳ nam ứng viên loại cơ cấu nào – trừ các tu sĩ – ăn mặc xuề xòa bình dân để gần dân đều phải bị gạch bỏ tên trong phiếu bầu.

2) Chuẩn Mực 2: Ngoại Ngữ  

46 năm, tức gần nửa thế kỷ tính từ năm Giải Phóng 1975 đến năm bầu cử Quốc hội Khóa XV 2021.

Tại một quốc gia xem trọng giáo dục, đầu tư khủng khiếp cho giáo dục, liên tục tiến hành các đại cuộc cải cách giáo dục; thừa hưởng thời gian dài tiếp cận, hòa nhập và hòa tan vào toàn cầu hóa đặc biệt trong kinh doanh và văn hóa văn minh hiện đại; và luôn giương cao ngọn cờ học tập Lãnh Tụ Hồ Chí Minh như Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, thì không thể chấp nhận những ứng cử viên Quốc Hội nào vẫn không sử dụng ngoại ngữ được để trả lời phỏng vấn của nước ngoài hoặc giao tiếp với người nước ngoài – trừ phi bản thân là nguyên thủ Việt Nam hoặc diện “tứ trụ” tiếp người đồng cấp nước ngoài, mà quy định lễ nghi khánh tiết buộc phải phát biểu bằng tiếng Việt với sự phục vụ của cán bộ phiên dịch Nhà Nước.

Do vậy, nếu sinh ra vào thời 1975, có tối thiểu 46 năm dài hưởng bao chế độ cưng chiều của Đảng, được Đảng cho đi học nước ngoài vác về toàn bằng cấp loại siêu bằng để leo lên chức vụ siêu cao làm việc trong môi trường siêu (sang) trọng  siêu (xa) hoa đầy đủ tiện nghi với vô số lần công tác nước ngoài mà vẫn không thể sử dụng tiếng Anh trong viết lách, trò chuyện, tranh luận, và trả lời phỏng vấn nước ngoài thì bất luận ứng viên đó là nam hay nữ hay tu sĩ đều phải bị gạch bỏ tên trong phiếu bầu.

Tại sao là Tiếng Anh? Đơn giản vì ngoài những người hoặc tình cờ hoặc theo thời thượng học Tiếng Anh từ nhỏ, thì tất cả những người học hành đàng hoàng đều có hai ưu thế gồm (a) đã học giỏi tiếng Pháp/Nga/Hoa/Nhật/Hàn/Đức hoặc Lào/Cam, v.v. và (b) do đó có trí tuệ cao hiểu biết rộng khôn ngoan cao nên biết vị thế của tiếng Anh đối với toàn cầu hóa ra sao nên đã luôn tự bổ sung tiếng Anh vào phần phải chăm chỉ học thêm của mình để thuận lợi cho những chuyến ra nước ngoài công tác, vui chơi, hoặc hành hương.

Cán bộ cấp cao mà không nói được tiếng Anh chỉ có một ý nghĩa đầy nhục nhã rằng toàn bộ các đợt cải cách giáo dục của Việt Nam suốt nửa thế kỷ đã thất bại hoàn toàn và không bất kỳ Đảng viên chức sắc nào đã được bổ nhiệm phụ trách Bộ Giáo Dục & Đào Tạo mà không bất tài, không vô dụng, không là hạng vất sọt rác.

3) Chuẩn Mực 3: Diễn Đạt Tư Duy

46 năm, tức gần nửa thế kỷ tính từ năm Giải Phóng 1975 đến năm bầu cử Quốc hội Khóa XV 2021.

Tại một quốc gia xem trọng giáo dục, đầu tư khủng khiếp cho giáo dục, liên tục tiến hành các đại cuộc cải cách giáo dục; thừa hưởng thời gian dài tiếp cận, hòa nhập và hòa tan vào toàn cầu hóa đặc biệt trong kinh doanh và văn hóa văn minh hiện đại; và luôn giương cao ngọn cờ học tập Lãnh Tụ Hồ Chí Minh như Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, thì không thể chấp nhận những ứng cử viên Quốc Hội nào vẫn không tham gia viết blog tiếng Việt và tiếng nước ngoài, vẫn không tham gia nêu chính kiến trên Twitter bằng tiếng nước ngoài, vẫn không dùng mạng xã hội như phương tiện tiếp cận “cử tri tương lai” vốn đương nhiên có trình độ tư duy chính trị rất tập trung, rất đa dạng, rất đòi hỏi, rất chọn lọc, và rất thách đố.

Những ứng cử viên nào, bất kể nam nữ hay tu sĩ, cho đến cuối năm 2025 vẫn không viết blog và viết comments bằng ngoại ngữ trên Twitter để cử tri có thể biết cái tâm cái tầm của họ để có thể chọn mặt gởi vàng, thì dứt khoát bị gạch bỏ tên trên phiếu bầu. Không viết blog và viết comments trên Twitter, nghĩa là ứng viên đã dành trọn tuổi thanh xuân và tuổi trung niên để ẩn nấp, trốn tránh, sợ hãi những “lỡ lời” có thể gây hại cho sự nghiệp mai sau, qua đó báo trước tư cách của họ chốn nghị trường nếu người dân lỡ bỏ phiếu cho họ dựa vào các tô son trát phấn đánh bóng chói chang của Mặt Trận Tổ Quốc: họ sẽ vẫn mãi ẩn nấp và trốn tránh cho đến hết nhiệm kỳ, không bao giờ phát biểu vì nước vì dân mà chỉ đọc các bài soạn sẵn mà Quốc Hội cấp kinh phí hào phóng cho họ từ tiền thuế của dân để họ thuê mướn “chuyên gia” viết giúp.

Có thể nói, tất cả những đảng viên chức sắc nào được Đảng và Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu ra ứng cử Quốc Hội Khóa XV năm 2021 mà không bất kỳ cử tri nào có thể tìm thấy các bài blog hay các comments của họ trên Twitter để đánh giá đẳng cấp diễn đạt tư duy vì nước, vì Đảng, vì dân, thì hoặc đó là những sĩ quan tình báo, hay từng là điệp viên của Việt Nam mà nghiệp vụ của họ buộc họ phải luôn dấu thân trong bóng tối, hoặc do Đảng đã không còn có thể đưa ai khác xứng đáng hơn ra ứng cử Quốc Hội.

Và tại sao Twitter? Đơn giản vì tất cả các nguyên thủ quốc gia, các tờ báo lớn của thế giới, các cơ quan truyền thông, thậm chí các cơ quan như CIA của Mỹ và tất cả các Bộ của Mỹ, các nhà khoa học, v.v., đều sử dụng diễn đàn Twitter để một cách ngắn gọn nhất tóm tắt các chính sách, chính kiến, v.v., của họ, mà lẽ nào các ứng viên nghị sĩ Việt Nam không chịu khôn ngoan tìm đọc như những thông tin cực kỳ ngắn gọn súc tích, để nắm bắt tình hình chính trị và sinh hoạt học thuật có liên quan đến cộng đồng nào có cùng thứ bằng cấp như mình ở đúng ngành của bằng cấp của mình và có khi ở cùng trường đại học nơi phát cho mình bằng cấp ấy, cũng như bất tài vô dụng không viết được những comment cực kỳ ngắn gọn cho thiên hạ biết ta ngày sau có là chính trị gia Việt Nam thì cũng không phải hạng tự nhiên trên trời rớt xuống? Trong tuyệt đại đa số các trường hợp thì sự trốn né ấy là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự gạch bỏ tên họ trong phiếu bầu để những kẻ vừa xài bằng giả (vì học mà không thể hành) vừa đột nhiên a-thần-phù hiện ra (giống như thằng mất dạy ở hàng đầu trên xe bus chở Đội Tuyển U23 đón nhận tất tần tật các hò reo tung hô của biển người 30 cây số từ Phi Trường Nội Bài về đến Dinh Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc) không được bước chân vào chốn Nghị trường nước Việt.

4) Chuẩn Mực 4: Tính Chuyên Nghiệp

46 năm, tức gần nửa thế kỷ tính từ năm Giải Phóng 1975 đến năm bầu cử Quốc hội Khóa XV 2021.

Tại một quốc gia xem trọng giáo dục, đầu tư khủng khiếp cho giáo dục, liên tục tiến hành các đại cuộc cải cách giáo dục; thừa hưởng thời gian dài tiếp cận, hòa nhập và hòa tan vào toàn cầu hóa đặc biệt trong kinh doanh và văn hóa văn minh hiện đại; và luôn giương cao ngọn cờ học tập Lãnh Tụ Hồ Chí Minh như Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, thì không thể chấp nhận những ứng cử viên Quốc Hội nào không thể hiện tính chuyên nghiệp ở các nơi làm việc trong quá khứ.

Tính chuyên nghiệp cao nhất mang tính toàn cầu tại nơi làm việc được thể hiện rõ nét nhất trong hai nội dung gồm thượng tôn luật phápphục vụ khách hàng.

Đã thượng tôn luật pháp dứt khoát không tham nhũng, không tham ô, không đưa hối lộ, không nhận hối lộ, không lại quả, không xa hoa phung phí, không tạo vây cánh, không trù dập thuộc quyền, không quấy rối tình dục, v.v. Mặt Trận Tổ Quốc khi giới thiệu một quan chức của Đảng dứt khoát phải bảo đảm tính chuyên nghiệp này của mỗi ứng viên và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật – hoặc chí ít thì với Đảng – về ứng viên đó.

Đã là quan chức thì không có khái niệm phục vụ nhân dân một cách bao trùm vô nghĩa phi ranh giới bất địa bàn. Khi người dân tìm đến cơ quan công quyền, thì quan chức phải thể hiện tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàngkhách hàng là vua. Gọi là “khách hàng” vì đó là người có yêu cầu và nhu cầu cụ thể muốn được phục vụ cụ thể mà quan chức Đảng có quyền lực phải đáp ứng các yêu cầu và nhu cầu ấy. Tất cả có nghĩa là tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàng không bao giờ ẩn trong nó tính quan liêu hách dịch, thói cửa quyền ban ơn, tật vòi vĩnh, và bịnh gia trưởng xem khách hàng là bọn dân đen hèn hạ quấy rầy.

Nói tóm tắt dễ hiểu hơn để dạy cho các quan nhuần thấm: khi người dân tìm đến cơ quan thì lãnh đạo cơ quan hoàn toàn không bao giờ được phép vắng mặt vì lý do bận họp ở Đảng hay ở trung ương. Vắng mặt chỉ và phải có nghĩa là đã có phân công ủy quyền giải quyết chứ không phải “ủy quyền tiếp nhận hồ sơ” và không được mất dạy bảo “vua” hãy trở lại hôm khác.

5) Chuẩn Mực 5: Tính Đảng

46 năm, tức gần nửa thế kỷ tính từ năm Giải Phóng 1975 đến năm bầu cử Quốc hội Khóa XV 2021.

Tại một quốc gia xem trọng giáo dục, đầu tư khủng khiếp cho giáo dục, liên tục tiến hành các đại cuộc cải cách giáo dục; thừa hưởng thời gian dài tiếp cận, hòa nhập và hòa tan vào toàn cầu hóa đặc biệt trong kinh doanh và văn hóa văn minh hiện đại; và luôn giương cao ngọn cờ học tập Lãnh Tụ Hồ Chí Minh như Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, thì không thể chấp nhận những ứng cử viên Quốc Hội nào từ loại “a” đến loại “g” của hệ ứng viên cơ cấu đến khi ứng cử vẫn chưa “học” xong và chưa “học” thuộc cũng như chưa hề “hành” hay chưa “hành” ra trò các lời dạy của Lãnh Tụ Hồ Chí Minh, biến câu nói lừng danh của vĩ nhân Lenin “học, học nữa, học mãi” thành tấm khiên lạm dụng, và biến bản thân chưa thể là “Đảng viên đúng nghĩa” của một đảng vĩ đại như Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tác giả bài viết này trong một buổi họp Tổ tại Quốc Hội đã được Bí Thư Thành Ủy Lê Thanh Hải nói lớn gợi ý rằng tác giả nên vào Đảng. Nữ đại biểu hoa khôi của Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016) của Thành phố Hồ Chí Minh là Trần Thị Diệu Thúy đã buột miệng nói: “Đúng rồi! Anh Phước nên vô Đảng. Ảnh có tính Đảng hơn rất nhiều đảng viên.

Vậy tính Đảng là gì mà nhiều Đảng viên không có hoặc có nhưng rất thấp – qua lời của Nghị sĩ Trần Thị Diệu Thúy? Tạp Chí Cộng Sản nêu rằng: “Tính Đảng” của đảng viên được hiểu là sự thừa nhận một cách tự nguyện và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn: đó là sự tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật; là những chuẩn mực trong mọi hành vi, lời nói trong các hoạt động xã hội. Việc nâng cao “tính Đảng” của người đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo ra sự đồng thuận về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; sự thống nhất, đoàn kết trong hành động; sự tiên phong và là tấm gương sáng có sức thu hút dẫn dắt quần chúng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Tính Đảng đã bị tuyệt diệt nơi một số tên Đảng viên cao cấp kể cả nơi cán bộ tuyên giáo và cán bộ chính trị tinh hoa.

Chỉ có các tổng công ty Nhà nước – do có chi bộ lớn – mới hay tổ chức mời các đảng viên tuyên giáo thượng thặng về dạy chính trị hoặc báo cáo tình hình chính trị thế giới. Rất nhiều tên đảng viên tuyên giáo thượng thặng khi ngỏ lời đầu tiên chào lớp chẳng hạn về các khóa Kinh Tế Chính Trị Mác-Lê Nin hay Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học hoặc Chủ Nghĩa Cộng Sản, v.v., đều “lấy lòng” tập thể học viên bên dưới bằng cách hào hùng tuyên bố mà không bao giờ sợ bị ghi âm rằng chúng “lấy công tâm mà nói thì bây giờ mà nói về mấy cái chủ nghĩa vớ vẩn vô dụng này là phí thì giờ của quý vị, nhưng biết sao bây giờ khi tôi buộc phải giảng cho hết bài còn quý vị buộc phải ngồi chơi cho hết giờ”.

Còn khi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ra tham quan đánh giá công trình Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân 2016 có cho xe đón các lãnh đạo tiền nhiệm của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan cho nhận xét trước khi mở cửa cho công chúng ra vào, một tên Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh mới nghỉ hưu được thỉnh đến tham quan đã nói lớn tiếng khi chỉ tay vào đám tượng đàn khỉ rằng “sao năm nào mấy con thú cũng giơ tay Chào Xuân khí thế mà năm nay mấy con này đứng xụi lơ không dám giơ tay vậy ta” rồi tự trả lời luôn rằng “chắc tại không dám xỉa vô mặt con khỉ chúa đứng chình ình đằng kia chớ gì!” Và bất kỳ người công nhân nào đang hoàn tất việc xây dựng vườn hoa đứng gần đấy không thể không nghe và không thể không thuật lại cho nghị sĩ Hoàng Hữu Phước rằng họ giận dữ vì thằng Đảng viên lãnh đạo cao cấp ấy đang ám chỉ bức tượng khổng lồ của Lãnh tụ Hồ Chí Minh ở đằng xa.

Mặt Trận Tổ Quốc đã giới thiệu cho nhân dân các danh sách tinh hoa chính trị và tinh hoa trí tuệ của Đảng, và trong những danh sách ấy có những kẻ không có tính Đảng, hoặc có tính Ngụy Đảng, hoặc có tính chống Đảng, hoặc chỉ là những kẻ đáng thương hại không hề đoái hoài đến việc ra ứng cử Quốc Hội mà buộc phải ra chỉ vì không được phép không tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của Đảng. Đây hẳn là lý do vì sao các nghị sĩ có thể trở thành những tội phạm kinh tế, những tội phạm hình sự, những tội phạm phản quốc, nhưng Mặt Trận Tổ Quốc luôn bất khả xâm phạm và luôn được miễn trừ trách nhiệm trước dân tộc, trước tổ quốc, trước Đảng, trước lương tâm con người.

D- KẾT LUẬN

Khi nhận được danh sách tuyên truyền về các ứng cử viên Quốc Hội Khóa XV do chính quyền địa phương phát đến từng hộ gia đình, tôi sẽ ngay lập tức kiếm tìm trên không gian mạng từ Twitter cho đến các blog để kiếm đọc không phải các thông tin thiên hạ viết về họ, mà là đọc các bài viết, các comments của từng vị một trong số họ để qua đó tôi tự đánh giá tư duy trí tuệ của mỗi người, vì lá phiếu của tôi là dành cho con người.

Tất nhiên, khi nhận phiếu bầu để vào buồng có buông màn, tôi sẽ gạch bỏ tên của tất cả những ứng viên trên trời mờ mịt tối đen rơi cái đùng xuống trận thế chính trị phân minh, chấp nhận ngay cả việc gạch bỏ tên toàn bộ những ai có tên trong phiếu bầu ấy.

Đó là cách để giúp Đảng, giúp nước, giúp dân, ngõ hầu tránh được những vỡ kịch bi hài chốn nghị trường về đạo đức và trình độ của các kịch sĩ nghị viện Việt Nam.

Người đọc bài viết này nếu vì nước, vì dân, vì tiền đồ dân tộc, có thể cảm thấy nên nghiên cứu áp dụng nhiều nhất có thể được các phương thức trên áp dụng cho sự lựa chọn bỏ phiếu ra sao cho các đối tượng ứng cử viên diện cơ cấu cho Quốc Hội Khóa XV (2021-2026); và kể từ Khóa XVI (2026-2031) trở đi sẽ áp dụng cho toàn bộ các ứng cử viên Quốc Hội bất kể diện chiến lược hay cơ cấu, đơn giản vì “tứ trụ triều đình” đều phải được bầu ra từ 500 nghị sĩ của từng Khóa, mà các nghị sĩ được mặc định lúc ấy (tức năm 2026) đã đạt đầy đủ 5 chuẩn mực trên.

 

Hãy cẩn trọng một cách đầy trách nhiệm vì Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Thị Nguyệt Hường đều đã đắc cử Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021) với số phiếu cực cao.

Hãy cẩn trọng một cách đầy trách nhiệm vì Nguyễn Xuân Anh và Phan Văn Anh Vũ lẽ ra sẽ đắc cử Quốc Hội Khóa XV (2021-2026) với số phiếu cực cao.

Hãy cẩn trọng một cách đầy trách nhiệm vì Vũ Minh Hoàng lẽ ra sẽ đắc cử Quốc Hội Khóa XVI (2026-2031) với số phiếu cực cao.

Quốc Hội Việt Nam không phải là một cái chợ, không phải là gánh xiếc, càng không phải là nơi ẩn náu của bọn tội phạm chưa bị phát hiện. Quốc Hội Việt Nam là một thực thể quyền lực của những nhà chính trị chuyên nghiệp, yêu nước, vì Đảng, vì dân, vì Chủ Nghĩa Xã Hội, và trên hết là tôn trọng Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đó là lý do tôi, Nghị Sĩ Khóa XIII Hoàng Hữu Phước, sẽ tiếp tục ra ứng cử Quốc Hội Khóa XV.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập Hiến và Lập Pháp Quốc-Hội Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nghị-sĩ Thành-phố Hồ Chí Minh Khóa XIII

A- Ghi chú:

Kịch Sĩ Nghị Viện: dịch văn vẻ từ các chữ lóng tiếng Anh clowny congressguy, congress-clown, NA-moron, democrazier,NA-chimps — tất cả do Tannhäuser Beowulf Thor sáng chế.

B- Tham khảo:

Thùng Nước Đá và Blog 14-7-2013

Hội Chứng Bầy Đàn – Vấn Đề Bô Xít Ở Việt Nam  20-8-2013

Thế Nào Là Nhà Trí Thức 14-02-2014

Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi!  20-4-2014

Lại Trí Thức!  09-6-2014

Hội Chứng “Đổi Mới Tư Duy”  27-10-2015

Tôi Và Ngành An Ninh Tình Báo 26-12-2015

Vì Sao Là Tannhäuser Beowulf Thor  24-3-2015

Vấn Nạn Yếu Kém Tiếng Anh Ở Việt Nam  10-01-2016

Hoàng Hữu Phước một ngày trên Twitter 27-11-2017

Hoàng Hữu Phước và John McCain  14-11-2017

Nâng Cao“Tính Đảng” Của Người Đảng Viên 10-5-2012 (Bài viết của Thái Sơn trên Tạp Chí Cộng Sản)

Both comments and trackbacks are currently closed.