Nghị Sĩ Phạm Thị Mỹ Lệ

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Khóa XIII

07-3-2021

Phạm Thị Mỹ Lệ là Nghị sĩ Khóa XIII (2011-2016) thuộc Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Bình Phước. Chị nhỏ hơn tôi một tuổi, và là người có các đức tính trước đây không hiếm thấy nơi những người dân Miền Nam trước 1975 như thật thà, trung thực, bộc trực, nghĩa tình.

Tại Kỳ họp Thứ Nhất của Quốc Hội Khóa XIII đầu năm 2011, lúc tôi đứng tách biệt một nơi tại hành lang Hôi Trường Bộ Quốc Phòng vào giờ giải lao, chị tiến nhanh đến gặp tôi, và giọng nói của chị ập đến cùng với đà bước chân thoăn thoắt của chị. Những lời sau đây là dựa theo ý chính của chị Mỹ Lệ khi trò chuyện cùng tôi lần đầu hôm ấy.

Phạm Thị Mỹ Lệ: Anh Phước! Anh Phước! Anh là Anh Phước?

Hoàng Hữu Phước: Dạ, có gì không chị?

Phạm Thị Mỹ Lệ: Anh là anh Phước hồi đó ở Ấn Độ nhập khẩu hạt điều phải không?

Hoàng Hữu Phước: Dạ đúng. Hồi xưa tôi làm cho CIMMCO Ấn Độ.

Phạm Thị Mỹ Lệ: Anh nhớ tui không? Tui là Mỹ Lệ ở Bình Phước. Hồi đó gặp anh ở Sông Bé đó!

Hoàng Hữu Phước: Xin lỗi chị. Tôi có đi Sông Bé các mùa điều nhưng thật tình tôi không thể nhớ có đã gặp chị.

Phạm Thị Mỹ Lệ: Anh không nhớ cũng đúng vì tui đứng chung với nhiều người. Tụi tui là dân kinh doanh hạt điều, thu mua cung ứng cho mấy công ty xuất khẩu nên năm nào cũng gặp mấy ông Ấn Độ đi giám định chất lượng điều. Năm đó tui còn trẻ, bị điêu đứng, tức đứng khóc giữa đám đông.

Hoàng Hữu Phước: Tôi không nhớ cảnh đó.

Phạm Thị Mỹ Lệ: Thì anh hùng hổ nói tiếng Anh cự nự mấy thằng Ấn thì làm sao còn để ý xung quanh! Tụi tui nể anh hết sức, ai cũng nói vụ mùa năm đó anh đã cứu sống nông dân và các doanh nghiệp Sông Bé khỏi sạt nghiệp. Anh bắt tụi nó phải nhận hàng. Không có anh thì thế nào cũng có người tự tử.

Hoàng Hữu Phước: Cũng tiếc mất cả tháng họ mới chịu lấy hết sản lượng đã ký mua. Tôi sợ bà con Sông Bé thiệt hại do bị neo hàng làm giảm chất lượng, nhưng không có dịp trở lại hỏi thăm vì sau đó tôi cũng phải nghỉ việc.

Phạm Thị Mỹ Lệ: Tụi tui biết chớ! Khi thấy anh viết bài tố cáo mấy công ty Ấn trên Tuổi Trẻ ai cũng nói ảnh vì tụi mình mà đập luôn chén cơm của ảnh! Cũng ngộ! Anh không hợp đồng mua của Sobexim của Sông Bé mà mua của Imexo Thành phố Hồ Chí Minh, vậy mà anh lặn lội về cứu tụi tui trong khi cái dàn ở Sông Bé thì có ai chịu giúp gì tụi tui đâu. Rồi anh biến mất, không biết ở đâu để liên lạc cám ơn.

Hoàng Hữu Phước: Có gì đâu chị. Bây giờ chị cũng là đại biểu doanh nhân. Hay thiệt!

Phạm Thị Mỹ Lệ: Đọc báo thấy tên anh và hình anh, Lệ đã nghi đúng là anh rồi. Cố chờ ra đây gặp anh để hỏi. Bây giờ đúng là anh thì để tui báo lại cho cái nhóm kinh doanh hạt điều hồi trước. Mấy ổng bây giờ cũng giàu lắm. Nhờ anh cứu đó!

Hoàng Hữu Phước: Bây giờ công ty của chị thế nào?

Phạm Thị Mỹ Lệ: Lệ ôm đồm lắm. Có làm resort du lịch Bình Phước nữa. Lệ cũng biết anh xưa làm thầy giáo Tiếng Anh. Lệ có dự án lập trường thiệt lớn đào tạo Tiếng Anh cho giới trẻ làm nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Phước và thu hút các tỉnh xung quanh. Anh Phước thu xếp được thì hú một tiếng, Lệ cho lính đón anh ở Sài Gòn lên chỗ Lệ ở chơi một tuần bàn chuyện hợp tác nhe? Anh mà chịu giúp thì dự án trường của Lệ ăn chắc. Nhe anh, đi một chuyến nhe, để nhiều đại gia Bình Phước được gặp lại anh để còn nói tiếng cám ơn anh chớ!

Nghị sĩ Phạm Thị Mỹ Lệ đã khơi lại trong tôi ký ức của thêm một lần trong đời hừng hực sống theo phong cách “kiến nghĩa bất vi: vô dõng giả; gian nguy bất cứu: mạc anh hùng”.

Khi nghe tin chị mất tháng 6-2018, tôi chỉ nhớ đến hình ảnh vị nữ nghị sĩ 58 tuổi hay phát biểu tại nghị trường. Tôi hoàn toàn không nhớ gì về hình ảnh người phụ nữ 35 tuổi mắt đỏ hoe dưới nắng trưa giữa hàng chục tiểu thương và vài chục nông dân đang điêu đứng vì sản lượng điều cả vụ mùa chất như núi bị các công ty Ấn Độ toa rập hủy hợp đồng do giá thị trường quốc tế tuột thấp.

Lúc ấy tôi chỉ biết đấu khẩu giận dữ với các “chuyên gia” Ấn Độ đang ngạc nhiên sửng sốt vì theo “đạo lý” thì lẽ ra tôi thuộc “phe” của họ. Tôi nhớ chỉ quay qua khuyên các chủ hàng Việt Nam rằng hãy yên tâm tôi sẽ không để ngoại nhân thao túng thị trường và rằng từ đó về sau hãy không chấp nhận điều khoản hoàn toàn xằng bậy và ngu xuẩn có từ thời Việt Nam đầu tiên xuất khẩu hạt điều thô lúc Bộ Ngoại Thương chưa có đủ trình độ tranh chấp ngôn từ Tiếng Anh là cái “Chứng Thư Hài Lòng Của Đại Diện Bên Mua

Chị Mỹ Lệ cũng khiên tôi nhớ lại hai ngày ba buổi họp căng thẳng ở VCCI (lúc ấy còn ở đường Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), với sự có mặt của 9 người gồm Ông Đại Sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Ông Tổng Lãnh Sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ông Xích Hồng đại diện Bộ Ngoại Thương, Đại diện Công ty Mount-A-Mount (bên mua của CIMMCO), Ông Amit Kumar Saxena Giám Đốc Văn Phòng Việt Nam (Resident Manager) của Công ty CIMMCO International (bên mua của các công ty Việt Nam), thư ký phiên dịch Tổng Lãnh Sự Ấn Độ, thư ký phiên dịch Bộ Ngoại Thương tháp tùng ông Xích Hồng, thư ký phiên dịch Mount-A-Mount, và tôi, Hoàng Hữu Phước, Phó Đại Diện (Secretary) Văn Phòng Việt Nam Công ty CIMMCO International. Xuyên suốt các buổi họp, chỉ có ba người trực tiếp tham gia đàm phán giải biện tranh luận bằng tiếng Anh với nhau là tôi, đại diện Mount-A-Mount, và Đại Sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Tỏng Lãnh Sự Ấn Độ không được phép mở miệng vì theo đúng nghi thức trên-dưới của Ấn Độ. Ông Xích Hồng không mở miệng vì đó là động thái khôn ngoan chỉ đại diện Nhà Nước Việt Nam chứng kiến và nắm nội dung qua lời phiên dịch khe khẻ vào tai của ông. Các thư ký phiên dịch khác không mở miệng vì các VIP không tranh luận bằng tiếng Việt. Giám Đốc CIMMCO không mở miệng vì không thể công khai chống Mount-A-Mount do ràng buộc bởi hợp đồng qua vài thập kỷ. Tôi đã hùng biện và chiến thắng, đến độ Đại Sứ Ấn Độ cũng phải phán khuyên Mount-A-Mount chấp nhận thua cuộc dù theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết thì tất cả các tòa án trọng tài trên toàn thế giới văn minh sẽ xử phía doanh nghiệp Việt Nam thua. Tứ Đại Biện của tôi gồm (a) điều khoản “Chứng thư hài lòng của người mua” từ bản chất đã là điều láu cá vì hàng hóa có sự giám định chuyên môn của Vinacontrol hoặc SGS tùy thỏa thuận của hợp đồng, chưa kể “người mua” là CIMMCO International nên Mount-A-Mount không có quyền đến Sông Bé chê chất lượng toàn bộ lô hàng và thậm chí không có tư cách pháp lý tranh biện với tôi trước mặt Đại Sứ Ấn Độ; (b) nhiều chục năm qua CIMMCO mua hạt điều của Việt Nam cùng từ nguồn xuất xứ của cùng địa phương mà chưa từng có sơ xuất về chất lượng, nay vừa có việc giá hạt điều thô thế giới giảm là đã kích hoạt ngay điều khoản về “hài lòng” để không cấp chứng thư hầu hủy thực hiện hợp đồng sát thời điểm giao hàng theo tín dụng thư, đó là hành vi gian manh không phải giữa những đối tác kinh doanh; (c) Việt Nam là một trong ba nguồn cung cấp hạt điều thô cho các nhà máy Ấn Độ, và với tiền lệ quá xấu này thì Ấn Độ chắc chắn sẽ mất nguồn cung ứng lâu dài từ Việt Nam, dẫn đến hệ lụy hàng từ hai quốc gia khác sẽ tăng giá bất lợi cho các nhà máy sản xuất hạt điều thành phẩm của Ấn Độ, đồng thời Việt Nam sẽ chuyển hướng thay xuất khẩu hạt điều thô sang sản xuất thực phẩm bánh kẹo hạt điều tham gia thị trường thế giới cạnh tranh với Ấn Độ; và (d) Đại Sứ Ấn Độ tại Việt Nam sẽ bị ô danh khi đã không can thiệp tác động được để ngăn chặn hành vi gian manh thương mại này của mỗi một công ty Mount-A-Mount gây hại cho nông dân của một nước Việt Nam nghèo khó hữu hảo luôn tôn kính Thầy Mahatma Gandhi. Kết quả: Đại Sứ Ấn Độ buộc Mount-A-Mount phải cấp “chứng thư hài lòng” cho CIMMCO, và tôi lập tức phát hành “chứng thư hài lòng” của CIMMCO gởi các công ty xuất khẩu Việt Nam để toàn bộ lô hạt điều thô đã ký kết được vận chuyển đến cảng Sài Gòn và các bộ chứng từ được nộp Vietcombank để các khoản thanh toán từ CIMMCO đổ về các tài khoản các công ty xuất khẩu. Tôi đa đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “Chứng Thư Hài Lòng Của Đại Diện Bên Mua” một lần và mãi mái.

Những chi tiết về “sự cố hạt điều” ở trên có thể bị ai đó cho là sản phẩm của trí tưởng tượng nhằm tự đánh bóng tên tuổi của Hoàng Hữu Phước (thật đáng thương cho kẻ có cái đầu và có bộ não nhưng lại dùng chúng để nghĩ như thế về Hoàng Hữu Phước).

Tuy nhiên, ngay cả khi Nghị sĩ Phạm Thị Mỹ Lệ đã quy tiên thì những thố lộ từ một người bộc trực trung thực nghĩa tình như chị ắt cũng đã được sẻ chia cùng các nghị sĩ khác của Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Bình Phước Khóa XIII. Còn những đại gia vươn lên từ hạt điều như chị mà chị từng bảo mong tụ hội lại để đón tôi về Bình Phước tiệc tùng, ắt cũng nghĩa tình như chị để sau khi đọc bài viết này sẽ buộc miệng thốt lên rằng “Đúng là như dzậy!” Và còn Lê Xuân Khuê, quan chức Sở Ngoại Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng chặn Hoàng Hữu Phước trên đường Nguyễn Huệ chỉ để nói: “Đọc báo mà cảm động quá! Ông hy sinh sự nghiệp cho nông dân như vậy rồi có bị gì không?” và tôi đã trả lời: “Cảm ơn Khuê. Thì mình về FOSCO, thiếu gì job “.

Sau 23 năm từ “sự cố hạt điều” tôi mới được chị Phạm Thị Mỹ Lệ nhắc lại ký ức về những ngày hực nắng đó.

Thế rồi hôm nay thì thời gian của ký ức lại đã biến thành gần 30 năm. Con số cứ sẽ dần tăng nhanh hơn. Nhưng tôi một khi còn mãi miết lê bước trên đường đời vẫn sẽ còn nghĩ đến chị Phạm Thị Mỹ Lệ với lòng biết ơn chân thiết. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn chị, vì chị đã cho tôi biết một điều rất quan trọng rằng hóa ra tôi đã từng có làm một điều ích lợi cho dân.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế (Curtin University), Giảng-sư Anh-văn (English Lexicology, British Civilization, British & American Literature, Composition, Academic Writing, Grammar, Speaking, Debating, Business Interpretation, Translation, và Business Contracts) tại các trường Cao Đẳng Sư Phạm TP HCM, Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội, Đại Học Văn Lang, Trung Tâm Điều Phối Đại Học Michigan, American Business College of California, Trường Sinh Ngữ Số 1 Sở Giáo Dục TP HCM, Trung Tâm Nghiên Cứu & Dịch Thuật TP HCM, Trung Tâm Ngoại Ngữ -Tin Học FOSCO KM, Trung Tâm Ngoại Ngữ Lý Phong, v.v.; Ciceronian Orator; Supremo Logographer; Nhà Biện-thuyết; Aesopian Satirist; Nhà Lập-pháp và Lập-Hiến Khóa XIII, Nhà Tư-vấn Sách-lược Quốc-trị & Phát-triển Kinh-doanh

Twitter: @HoangHuuPhuoc & @RealHoangHPhuoc

Parler: @hoanghuuphuoc

GAB: @HoangHuuPhuocVietnam

Telegram: @hoanghuuphuocvietnam

Spreely: HoangHuuPhuoc

Anphabehttps://www.anphabe.com/profile/hoanghuuphuoc

LinkedInhttps://vn.linkedin.com/in/hoanghuuphuoc 

WordPress: https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com

Tham khảo:

FOSCO: Hoàng Hữu Phước Tại FOSCO  17-7-2020

Secretary: “Thủ Tướng” Hoàng Hữu Phước  07-01-2021

Các nghị sĩ đồng liêu Khóa XIII với Hoàng Hữu Phước:

Nghị Sĩ Nguyễn Thái Bình 14-9-2016

Nghị Sĩ Trương Hòa Bình 18-10-2016

Nghị Sĩ Hà Hùng Cường 31-8-2020

Nghị Sĩ Nguyễn Tấn Dũng 12-02-2016

Nghị Sĩ Trần Văn Hằng 18-02-2016

Nghị Sĩ Vương Đình Huệ 02-12-2018

Nghị Sĩ Huỳnh Thế Kỳ 21-4-2020

Nghị Sĩ Huỳnh Thành Lập 25-8-2019

Nghị Sĩ Trần Du Lịch 22-4-2019

Nghị Sĩ Trương Thị Mai 08-8-2016

Nghị Sĩ Ngô Đức Mạnh  28-7-2019

Nghị Sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân 22-01-2016 

Nghị Sĩ Nguyễn Xuân Phúc 29-12-2015

Nghị Sĩ Tòng Thị Phóng 08-8-2016

Nghị Sĩ Nguyễn Văn Phụng 30-3-2019

Nghị Sĩ Trương Tấn Sang 02-12-2018

Nghị Sĩ Lê Trọng Sang 23-01-2018

Nghị Sĩ Trần Khắc Tâm 25-02-2016

Nghị Sĩ Đặng Thành Tâm 09-6-2019

Nghị Sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến 15-02-2016

Nghị Sĩ Nguyễn Mạnh Tiến 01-8-2019

Nghị Sĩ Đỗ Bá Tỵ 18-01-2016

Nghị Sĩ Đinh La Thăng 08-02-2016

Nghị Sĩ Hòa Thượng Thích Chơn Thiện 16-02-2016

Nghị Sĩ Huỳnh Minh Thiện 05-4-2019

Nghị Sĩ Nguyễn Phú Trọng 14-02-2016

Nghị Sĩ Trần Thị Diệu Thúy 25-7-2019

Both comments and trackbacks are currently closed.